Triển vọng từ nghề sản xuất, kinh doanh cây cảnh ở Vĩnh Linh
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến gần. Thời điểm này các cơ sở, nhà vườn chuyên cung cấp cây cảnh ở huyện Vĩnh Linh cũng nhộn nhịp hơn khi lượng khách hàng tìm đến để tham quan, lựa chọn cây cảnh chỉnh trang nhà cửa, sân vườn đón Tết ngày một tăng. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Linh Nguyễn Văn Lương cho biết, từ xu hướng chơi cây cảnh ngày càng phổ biến, mô hình dịch vụ sản xuất, kinh doanh cây cảnh ra đời và được nhân rộng trên địa bàn. Hiện toàn huyện có hàng trăm cơ sở, nhà vườn đang hoạt động hiệu quả, không chỉ cung ứng sản phẩm trong địa phương mà cả các tỉnh, thành phố khác.
Cơ sở dịch vụ Bắc Tâm, Khu phố 7 thị trấn Hồ Xá là một trong những địa chỉ chuyên trồng, mua bán, chăm sóc cây cảnh lớn nhất huyện Vĩnh Linh với quy mô 3 vườn gồm 1 vườn ươm và 2 vườn trưng bày tổng diện tích 2.500 m2. Vốn am hiểu và yêu thích cây cảnh, từ năm 2000, lúc gần nghỉ công tác theo chế độ tại Trung tâm Môi trường- Công trình đô thị huyện Vĩnh Linh, vợ chồng anh Đỗ Hoàng Bắc (sinh năm 1976), chị Lê Thị Thanh Tâm (sinh năm 1978) đã lên kế hoạch mở cơ sở kinh doanh mặt hàng cây cảnh.
Để chủ động và đa dạng hóa chủng loại, anh chị nhập giống từ các nguồn cây phía Bắc và phía Nam về nhân giống; tích cực tìm hiểu, áp dụng công nghệ tiên tiến trong việc trồng, chăm sóc giúp cây cảnh sinh trưởng tốt. Ngoài những loại cây, hoa truyền thống như nguyệt quế, mai, đào, khế, sung… vợ chồng anh Bắc tiên phong thử nghiệm trồng, lai tạo và thành công với nhiều giống nhập khẩu độc đáo gồm bằng lăng Thái, cúc tần Ấn Độ, bàng Đài Loan, lan hoàng dương…
Qua đó bắt kịp thị hiếu tiêu dùng, thu hút nhiều nhóm đối tượng khách hàng từ hộ gia đình đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khắp trong tỉnh và tỉnh Quảng Bình. Hiện cơ sở dịch vụ Bắc Tâm có hàng trăm gốc hoa, cây cảnh thuộc khoảng 50 dòng, chủng loại, giá dao động 2 - 10 triệu đồng/cây, tổng giá trị 3 vườn trên 2 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, cơ sở còn sản xuất, kinh doanh cây bóng mát, cây tạo không gian xanh ở các công trình, trụ sở. Mỗi năm cả xuất bán cây cảnh, nhận cải tạo, thiết kế không gian xanh cùng dịch vụ vệ sinh môi trường, cơ sở Bắc Tâm đạt doanh thu 1,2 - 1,5 tỉ đồng, lãi từ 300 - 400 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên 15 - 20 lao động với mức tiền công từ 5- 8 triệu đồng/tháng.
Hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp từ sở thích sưu tầm hoa, cây cảnh, đến nay anh Võ Tuấn Lương (sinh năm 1986), ở khu phố Phú Thị Đông, thị trấn Hồ Xá đã gắn bó với nghề gần 10 năm. Quá trình phát triển kinh tế cũng như thỏa mãn niềm đam mê, anh Lương tập trung nhiều thời gian tự học hỏi kỹ thuật trồng và nghệ thuật bonsai từ tài liệu chuyên ngành, các mô hình thực tế của những người đi trước để vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Dần dần anh đã gây dựng nên nhà vườn rộng 600 m2 với hàng trăm gốc hoa, bonsai đủ chủng loại ước tính gần 800 triệu đồng.
Từ những phôi gốc ban đầu tưởng chừng vô tri, vô giác, được dồn tâm sức suốt quá trình chăm sóc, tạo thế, tạo dáng từ 3 - 4 năm sẽ trở thành những tác phẩm mang giá trị riêng. Tận dụng lợi thế của mạng xã hội, anh Lương thường xuyên chia sẻ, giới thiệu sản phẩm, nhờ đó mở rộng đối tượng khách hàng ra cả nước, ngoài lượng khách đến xem, mua cây trực tiếp tại nhà vườn. Chuyên trồng, cung cấp cây cảnh và thiết kế non bộ tiểu cảnh, mỗi năm mang lại cho anh Lương thu nhập khoảng 200 triệu đồng và tạo việc làm 3- 5 lao động địa phương.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Hồ Xá Nguyễn Thị Lý, tâm huyết với nghề, điều các chủ cơ sở, nhà vườn thuộc ngành nghề này mong muốn đó là các cấp, ngành nghiên cứu thành lập hội sinh vật cảnh của địa phương nhằm liên kết, định hướng sản xuất, trợ giúp nhau trong khoa học, công nghệ và tìm kiếm thị trường. Đặc biệt thử nghiệm vùng trồng tạo nguồn phôi, giống cây cảnh tại chỗ. Nếu làm tốt công tác này sẽ chủ động được nguồn giống, tránh việc nhập hàng giá thành cao để giảm chi phí. Mặt khác lại có thể góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng khi thay thế những loại cây nông nghiệp giá trị thấp sang chuyên canh giống cây cảnh, hoa cảnh có tiềm năng, tăng thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác.
Hiện các mô hình sản xuất, kinh doanh cây cảnh ở huyện Vĩnh Linh đang phát huy hiệu quả về mặt kinh tế cũng như đẩy mạnh phong trào xây dựng môi trường sống xanh, tạo diện mạo đô thị văn minh, nông thôn kiểu mẫu khởi sắc. Hội Nông dân huyện chỉ đạo các chi hội quan tâm, tạo mọi điều kiện để những hộ, cơ sở có nhu cầu sẽ được tiếp cận nguồn vốn, kỹ thuật, cách thức quy hoạch nhà vườn nhằm đảm bảo cảnh quan, chú trọng khâu trưng bày, tăng sức cạnh tranh theo hướng hình thành trang trại sinh vật cảnh kết hợp du lịch sinh thái, cộng đồng… Từ đó thúc đẩy nghề sản xuất, kinh doanh cây cảnh ở Vĩnh Linh ngày càng phát triển bền vững.