Triển vọng từ vắc xin thế hệ mới, Nhật kéo dài tình trạng khẩn cấp
GlaxoSmithKline (GSK) và CureVac đều tuyên bố vắc-xin Covid-19 công nghệ mRNA do 2 hãng cùng phát triển đã được 'cải thiện đáng kể' trong cuộc thử nghiệm mới đây trên khỉ macaque.
Trong thông báo hôm 16/8, GSK (Anh) và CureVac (Đức) cho hay kết quả phân tích máu đông của các cá thể khỉ được tiêm chủng cho thấy loại vắc-xin “thế hệ tiếp theo” của 2 hãng, tên ký hiệu là CV2CoV, có thể kích hoạt số lượng kháng thể cùng các tế bào miễn dịch lớn hơn và nhanh hơn so với loại vắc-xin thế hệ đầu của CureVac.
Thông báo cũng cho biết, số lượng kháng thể và tế bào miễn dịch sản sinh bởi loại vắc xin này trên cơ thể các loài linh trưởng không phải con người cũng được cải thiện đáng kể trước cả chủng virus corona nguyên thủy lẫn các biển thể của nó như Beta, Delta hay Lambda.
Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm trên vẫn chưa được đánh giá ngang hàng để xuất bản trên các tạp chí y khoa.
GSK và CureVac hồi tháng 2 đã ký thỏa thuận hợp tác trị giá 150 triệu Euro để cùng phát triển vắc xin Covid-19 thế hệ tiếp theo trong năm tới, nhằm nỗ lực giải quyết một số biến thể của virus corona chỉ bằng một mũi tiêm. CureVac cho hay, thử nghiệm giai đoạn 1 của vắc xin CV2CoV trên người sẽ bắt đầu trong quý cuối cùng của năm nay.
Nhật Bản sẽ kéo dài ‘tình trạng khẩn cấp’
Nhật báo Sankei Shimbun hôm 16/8 đưa tin, Chính phủ Nhật Bản dự tính sẽ kéo dài ‘tình trạng khẩn cấp’ cùng các biện pháp phong tỏa mềm ở Tokyo và một số khu vực khác từ giờ đến giữa tháng 9 tới.
‘Tình trạng khẩn cấp’ ở thời điểm hiện tại ở Nhật sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/8. Tuy nhiên, sự gia tăng liên tục số ca nhiễm Covid-19 mới trong nước đã thúc đẩy những lời kêu gọi nên kéo dài tình trạng này.
Nhật Bản trong hôm 16/8 ghi nhận 17.836 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm kể từ đầu dịch lên 1.144.546, trong đó có 15.408 ca tử vong, theo trang thống kê Worldomters. Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 36% dân số Nhật Bản đã được tiêm đủ 2 liều vắc xin Covid-19.
Pfizer nộp dữ liệu ban đầu về việc tiêm liều bổ sung
Pfizer và BioNTech hôm 16/8 cho biết đã đệ trình lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) dữ liệu ban đầu từ việc thử nghiệm tiêm liều tăng cường vắc xin Covid-19. Dữ liệu này cũng sẽ được gửi đến Cơ quan Dược phẩm châu Âu cùng các cơ quan quản lý khác trong những tuần tới.
Hai hãng cho biết, liều vắc xin thứ ba giúp tăng đáng kể lượng kháng thể trung hòa chống lại virus corona so với 2 liều, cũng như tăng tính hiệu quả trong việc chống lại các biến thể Beta và Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn.
Pfizer và BioNTech cũng cho biết, tất cả các tình nguyện viên tham gia cuộc thử nghiệm đều được tiêm liều thứ 3 trong khoảng thời gian từ 8 đến 9 tháng sau khi tiêm liều thứ hai.
Tuần trước, FDA đã cho phép Pfizer-BioNTech và Moderna tiêm liều bổ sung cho những đối tượng có hệ thống miễn dịch bị tổn hại, tức khả năng được bảo vệ trước virus corona vẫn còn yếu dù đã được tiêm đủ 2 liều.
Pháp sẽ yêu cầu xuất trình thông hành sức khỏe
Theo quy định mới của Chính phủ Pháp, có hiệu lực kể từ ngày 16/8, khách hàng muốn vào bên trong các trung tâm mua sắm ở Paris và những vùng khác trong nước sẽ buộc phải xuất trình thẻ thông hành sức khỏe.
Quy định trên được áp dụng cho tất cả các trung tâm thương mại có diện tích bề mặt hơn 20.000 mét vuông, các khu vực có tỷ lệ nhiễm Covid-19 trung bình cao hơn 200 ca trên 100.000 người vào mỗi tuần.
Kể từ tuần này, cảnh sát Pháp cũng sẽ siết chặt hơn việc yêu cầu xuất trình thẻ thông hành sức khỏe bên trong các nhà hàng, ga tàu hoặc các không gian công cộng trong nhà khác, sau khi quy định trên được nới lỏng kể từ lần đầu được áp dụng vào tuần trước.
Bộ trưởng Y tế Sri Lanka mất chức
Ngày 16/8, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa cho biết đã cách chức Bộ trưởng Y tế Pavithra Wanniarachchi, người vốn công khai ủng hộ việc sử dụng các loại “thần dược” để điều trị Covid-19.
Văn phòng Tổng thống Rajapaksa cũng thông báo, chức vụ Bộ trưởng Y tế sẽ được giao cho ông Keheliya Rambukwella, người đang là Bộ trưởng Truyền thông kiêm người phát ngôn của Chính phủ Sri Lanka.
Hồi tháng 1/2021, bà Pavithra Wanniarachchi từng bị đưa vào đơn vị điều trị tích cực sau khi nhiễm virus corona, dù bà trước đó đã sử dụng một loại “thần dược" do một "pháp sư" bào chế để điều trị Covid-19.
Hồi tháng 11/2020, bà còn thực hiện nghi lễ đổ "nước thánh" xuống một con sông, sau khi được một người tự xưng là giáo sĩ khuyên rằng điều này sẽ giúp chấm dứt dịch Covid-19 trong nước.
Trong suốt nhiệm kỳ của bà Wanniarachchi, Bộ Y tế Sri Lanka bị chỉ trích dữ dội vì nói giảm, nói tránh về số ca nhiễm Covid-19 thực tế của nước này.
Dù bị cách chức, song bà Wanniarachchi vẫn có tên trong nội các và được chuyển sang làm trong Bộ Giao thông vận tải.
Việt Anh