Triển vọng vĩ mô và thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2024

Đợt tăng mạnh gần đây đã khiến một số nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu thị trường chứng khoán đã đạt đỉnh hay chưa. Tuy nhiên, MBS tin rằng thị trường chưa đạt đến giới hạn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhu cầu vay vốn sẽ bắt đầu tăng mạnh từ quý 3/2024

Trong báo cáo chiến lược đầu tư cuối năm 2024, Chứng khoán MBS cho biết, tăng trưởng toàn cầu được dự đoán sẽ ổn định ở mức 2,6% trong năm nay, trong khi một vài ngân hàng trung ương đã sẵn sàng nới lỏng hạn chế trong nửa cuối năm 2024. EU đã điều chỉnh giảm lãi suất trong tháng 6, Fed dự kiến sẽ bắt đầu cắt giảm 1 – 2 lần trong nửa cuối năm. Điều này sẽ đem lại một môi trường thuận lợi hơn thị trường cổ phiếu.

Kết quả hoạt động của nền kinh tế Việt Nam trong hai quý đầu năm 2024 vượt qua hầu hết các dự báo thị trường, tăng trưởng quý 2 đạt 6,93% - so với mức tăng 5,87% trong quý 1/2024. Xuất khẩu và dòng vốn FDI có bước nhảy vọt khẳng định quan điểm rằng sự phục hồi của nhu cầu toàn cầu có khả năng thúc đẩy tiêu dùng trong nước trong thời gian tới.

Lãi suất giữa các ngân hàng hiện đã tăng gần đến mức 5%, đánh dấu một mốc tham chiếu mới do nhu cầu về thanh khoản. Tính đến ngày 21/5, dữ liệu từ các ngân hàng cho thấy lãi suất tiết kiệm 12 tháng trung bình của các ngân hàng thương mại nhỏ và vừa tăng 0,3% so với tháng trước, trong khi các ngân hàng thương mại lớn tăng 0,1% trong cùng giai đoạn. Mặc dù các ngân hàng Nhà nước chưa cập nhật chính thức lãi suất tiết kiệm trên các trang web nhưng MBS dự kiến rằng họ sẽ sớm đi theo xu hướng tăng này.

“Chúng tôi tin rằng nhu cầu vay vốn sẽ bắt đầu tăng mạnh từ quý 3/2024 do sự tăng trưởng sản xuất và đầu tư mạnh mẽ. Chúng tôi dự đoán rằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn có thể tăng thêm 50 điểm cơ bản và dần trở lại mức 5,2% - 5,5% vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng lãi suất cho vay sẽ duy trì ở mức tương tự vì các cơ quan quản lý và ngân hàng thương mại đều nỗ lực cung cấp vốn cho doanh nghiệp vay vốn,” MBS nhận định.

Diễn biến lãi suất huy động và tăng trưởng tín dụng.

Diễn biến lãi suất huy động và tăng trưởng tín dụng.

Kết quả vượt trội trong hai quý đầu năm khiến MBS nâng dự báo GDP trong năm 2024 từ 6,3% lên 6,5%. “Chúng tôi kỳ vọng đà tăng trưởng mạnh của nền kinh tế sẽ mạnh mẽ hơn, đạt lần lượt 6,6% - 6,5% trong quý 3 và quý 4, nhờ sự phục hồi của tăng trưởng xuất khẩu cũng như mở rộng đầu tư và giải ngân đầu tư hiệu quả hơn,” MBS nêu quan điểm.

Tuy nhiên đơn vị phân tích cũng cho rằng, thách thức cho triển vọng tăng trưởng vẫn còn đó. Do đã mất giá gần 5% tính đến thời điểm hiện tại so với đồng USD, đồng VNĐ hiện đang có hiệu suất suy giảm mạnh thứ nhì trong khu vực. Yếu tố chính là do chênh lệch lãi suất âm của Việt Nam với Mỹ. Mặc dù DXY được dự đoán sẽ suy yếu trong nửa cuối năm, sau đợt cắt giảm lãi suất của Fed, nhưng việc đồng VNĐ yếu kéo dài sẽ gây rủi ro gia tăng lạm phát vốn đã gần với mục tiêu 4,5%.

Định giá các cổ phiếu large-cap hấp dẫn hơn

Về thị trường chứng khoán, MBS dự báo tổng lợi nhuận thị trường sẽ tăng 9,5% so với cùng kỳ trong quý 2/2024, và lần lượt tăng 33,1% và 21,9% trong quý 3 và quý 4. Đối với năm 2024, lợi nhuận thị trường dự kiến sẽ tăng 20%, từ mức nền thấp của năm 2023. Các động lực chính cho sự cải thiện lợi nhuận của thị trường sẽ đến từ hoạt động kinh doanh vững chắc của các ngân hàng (tăng 20%), bán lẻ (tăng 204%), vật liệu xây dựng (tăng 56%) và điện (tăng 25%.

Đối với năm tài chính 2025, tăng trưởng lợi nhuận thị trường có thể giảm tốc xuống mức tăng 15%, được hỗ trợ bởi ngân hàng (tăng 23%), vật liệu xây dựng (tăng 33%), khu công nghiệp (tăng 26%) và điện (tăng 28%).

Đợt tăng mạnh gần đây đã khiến một số nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu thị trường đã đạt đỉnh hay chưa. Tuy nhiên, MBS rằng chưa đạt đến giới hạn. Tính đến ngày 21/6, VN-Index giao dịch ở mức 14,6 lần P/E 12 tháng, cao hơn 6% so với mức trung bình 3 năm (13,8 lần) và thấp hơn 14% so với mức đỉnh 3 năm (16,7 lần vào quý 4/2021).

Sự tăng giá gần đây của các cổ phiếu vốn hóa trung bình (mid-cap) đã đưa định giá VNMID lên 17,1 lần P/E, cao hơn khoảng 17% so với VN-Index. Thậm chí, các cổ phiếu mid-cap hiện đang được giao dịch ở mức P/B tương đương với các cổ phiếu vốn hóa lớn (large-cap).

Trong khi đó, định giá của các cổ phiếu large-cap (được đại diện bởi VN30 và VNX50) thấp hơn khoảng 11% so với trung bình thị trường. Vì vậy, MBS tin rằng định giá của các cổ phiếu large-cap có vẻ hấp dẫn về tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trong năm tài chính 2024-2025 so với các nhóm khác.

Nhìn chung, công ty chứng khoán dự đoán VN-Index sẽ đạt 1.350 – 1.380 điểm vào cuối năm, sau khi tăng trưởng lợi nhuận 20% trong năm tài chính 2024 và mục tiêu P/E từ 12 đến 12,5 lần.

TGĐ Guotai Junan: Trước cuối năm 2024, VN-Index có thể đạt mức 1.500 điểm

Hai kịch bản thị trường chứng khoán tháng 7

Lãnh đạo UBCKNN cập nhật tiến độ tháo gỡ nút thắt nâng hạng

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/trien-vong-vi-mo-va-thi-truong-chung-khoan-nua-cuoi-nam-2024-30794.html