Thị trường chứng khoán: Phục hồi, nhưng điểm số và thanh khoản trái chiều
Thị trường chứng khoán trong nước có một tuần (1 - 5/7) tăng điểm khá tích cực. VN-Index lần lượt lấy lại các mốc kháng cự quan trọng tại 1.250 điểm và 1.280 điểm. Tuy nhiên, ngược với điểm số, thanh khoản giảm khá mạnh trên toàn thị trường vì tâm lý còn thận trọng, e dè. Thị trường tuần mới dự báo có thể chịu áp lực chốt lời, nhưng biên độ sẽ không lớn và phân hóa men theo kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý II hé lộ dần.
Thị trường chứng khoán trong nước có một tuần (1 - 5/7) hồi phục tích cực. Chỉ số VN-Index có một tuần tăng trọn vẹn cả 5 phiên nhờ thông tin vĩ mô được công bố với những con số vượt cả dự báo. Tuy nhiên, thị trường có một tuần hồi phục nhưng không thực sự thuyết phục vì tâm lý nhà đầu tư còn rất thận trọng. Độ rộng của thị trường vẫn nghiêng nhiều về sắc đỏ trong những phiên cuối tuần và đặc biệt là dòng tiền sụt giảm mạnh.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số VN-Index đạt 1.283,04 điểm, tăng tới +37,72 điểm, tương đương +3,03% so với tuần kế trước. Xét riêng về điểm số, chỉ số VN-Index đã bật tăng khá mạnh, lần lượt lấy lại các mốc kháng cự tại 1.250 và 1.280 điểm. Đà tăng thu hẹp dần về cuối tuần, với biên độ tăng không lớn.
Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng có một tuần tăng điểm khá tốt. Chỉ số HNX-Index đóng cửa tuần tại 242,31 điểm, tăng +4,72 điểm, tương đương +1,99% so với tuần trước; trong khi đó, chỉ số UPCoM-Index cũng đóng cửa tại 98,26 điểm, tăng +0,74% so với tuần trước.
Thị trường chứng khoán tuần qua sụt giảm khá mạnh về thanh khoản. Tính chung trên toàn thị trường, giá trị giao dịch bình quân phiên trong tuần chỉ đạt 16.699 tỷ đồng/phiên, giảm tới -33,3% so với con số 25.032 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.
Thị trường chứng khoán tuần qua cũng hồi phục tốt đối với nhiều nhóm ngành, tuy nhiên, sự phân hóa trong nội tại từng ngành cũng xuất hiện khá rõ. Các ngành đóng góp tốt cho đà tăng chung của thị trường trong tuần có thể kể đến như: dầu khí, ngân hàng, bán lẻ, hóa chất…
Theo đó, nhóm ngành nổi bật đóng góp cho sự phục hồi của thị trường trong tuần là cổ phiếu nhóm dầu khí với các mã PLX (+7,46%), BSR (+5,07%), OIL (+16,53%), PVB (+5,15%)...
Bên cạnh dầu khí, một số nhóm cổ phiếu khác cũng đóng góp đến sự phục hồi của chỉ số, tiêu biểu như ngành ngân hàng với BID (+9,36%), VCB (+3,29%), LPB (+14,18%), VPB (+2,68%), SHB (+3,07%)... Nhóm bán lẻ cũng giao dịch trong sắc xanh với MWG (+5,13%), DGW (+5,39%), PET (+2,41%)...
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngành hóa chất cũng có 1 tuần tăng điểm ấn tượng với CSV (+26,5%) sau khi có 3 phiên liên tiếp tăng kịch biên độ, DGC (+2,04%)…
Cũng trong tuần, một số ngành khác chứng kiến sự phân hóa, như ngành điện với REE (+4,15%), HDG (+4,8%), GEG (+2,86%)... tuy nhiên các mã khác cùng ngành vẫn tiếp tục điều chỉnh như POW (-2,01%), PPC (-4,63%), và đặc biệt là TV2 (-10,11%) với thông tin bất lợi về việc Bộ Công thương chấm dứt Hợp đồng BOT của siêu dự án 3 tỷ USD Nhiệt điện Sông Hậu 2.
Trái ngược với diễn biến về điểm số, thị trường chứng khoán tuần qua sụt giảm khá mạnh về thanh khoản. Tính chung trên toàn thị trường, giá trị giao dịch bình quân phiên trong tuần chỉ đạt 16.699 tỷ đồng/phiên, giảm tới -33,3% so với con số 25.032 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Thanh khoản giảm trên cả 3 sàn, cụ thể: giá trị giao dịch bình quân phiên trên HOSE giảm -34,1%, còn 14.511 tỷ đồng/phiên; HNX giảm -24,9% còn 1.093 tỷ đồng/phiên, và UPCoM giảm -29,9% còn 1.096 tỷ đồng/phiên.
Khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng trên toàn thị trường, nhưng giá trị bán ròng giảm hơn một nửa so với tuần trước. Theo đó, tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trong tuần đạt -2.164 tỷ đồng, trong đó, khối này bán ròng -2.309 tỷ đồng và mua ròng +99 tỷ đồng trên HNX, +46 tỷ đồng trên UPCoM.
Thị trường chứng khoán trong nước tuần qua nhận được sự hỗ trợ tích cực từ thông tin kinh tế vĩ mô trong nước. Dữ liệu về kinh tế vĩ mô như tăng trưởng GDP, xuất nhập khẩu, CPI, tăng trưởng tín dụng… mặc dù được công bố vào cuối tuần trước nhưng đã hỗ trợ cho thị trường tuần này.
Tuy nhiên, nhìn trong tổng thể chung, mức tăng của thị trường tuần qua chưa thực sự thuyết phục. Dù cứ tăng điểm cũng là tốt, nhưng dòng tiền suy giảm khiến sự thận trọng vẫn bao trùm. Dòng tiền chỉ hướng vào một số mã lớn và kéo chỉ số chung đi lên, nhưng tiền vừa yếu vừa không có sự lan tỏa.
Thị trường tuần mới được kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực hơn từ thông tin kết quả kinh doanh hé lộ dần. Tuy vậy, sau chuỗi tăng trong tuần qua, chỉ số đã vượt mốc 1.280 điểm, do đó, rung lắc do chốt lời cũng không ngoại trừ.
Nhìn về kỹ thuật, thị trường chứng khoán sau tuần cuối quý II kém tích cực đã hồi phục khá tốt về điểm số và lấy lại hầu hết điểm số đã mất của tuần kế trước. Chỉ số VN-Index đã quay trở lại vùng 1.285 điểm là vùng giá cao nhất của các phiên giảm mạnh. Tuy rằng, điều thị trường chờ đợi hơn đó là dòng tiền. Tiền còn yếu và co cụm nên không tạo được sức bật. Thị trường tuần mới được kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực hơn từ thông tin kết quả kinh doanh hé lộ dần. Tuy vậy, sau chuỗi tăng trong tuần qua, chỉ số đã vượt mốc 1.280 điểm, do đó, rung lắc do chốt lời cũng không ngoại trừ.
Theo các chuyên gia của SHS, trong ngắn hạn VN-Index đã vượt lên vùng giá trung bình 20 phiên gần nhất quanh 1.275 điểm, với kỳ vọng hướng đến vùng giá 1.300 điểm của kênh tích lũy 1.250 điểm -1.300 điểm. Thanh khoản thị trường có cải thiện dần qua các phiên nhưng cả tuần vẫn giảm mạnh và chỉ đạt khoảng 65% mức trung bình, thể hiện mức độ phân hóa mạnh.
“VN-Index có thể sẽ còn chịu áp lực rung lắc khi gặp kháng cự mạnh quanh 1.285 điểm. Điểm tích cực là nhiều nhóm mã luân phiên phục hồi tốt, nhiều mã vượt đỉnh cũ” – chuyên gia SHS nhận định.
Các chuyên gia của SHS cũng cho rằng, thị trường diễn biến tích lũy tích cực và nếu không có các yếu tố tiêu cực bất định mới xuất hiện thì VN-Index có thể sẽ vượt lên vùng kháng cự quanh 1.300 điểm khi các yếu tố như căng thẳng địa chính trị trên thế giới, áp lực lạm phát, tỷ giá, khối ngoại bán ròng hạ nhiệt.
“Nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỉ trọng hợp lý và theo dõi thêm diễn biến thị trường tại vùng kháng cự. Nhà đầu tư trung - dài hạn nắm giữ danh mục hiện tại, các vị thế xem xét gia tăng tỉ trọng mới, đánh giá cẩn trọng dựa trên kết quả kinh doanh quí II và triển vọng cuối năm của các doanh nghiệp đầu ngành” – Chuyên gia của SHS khuyến nghị.
Trong khi đó, theo SSI Research, chỉ số VN-Index vẫn đang giằng co quanh khu vực kháng cự 1.280 – 1.286 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật như chỉ báo sức mạnh (RSI) và chỉ báo xu hướng (ADX) duy trì trạng thái trung tính. Do vậy, chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục dao động trong vùng điểm số 1.280 – 1.286 điểm./.