Triển vọng xuất khẩu nghêu

Nghêu là 1 trong 4 loại thủy sản xuất khẩu chủ lực của nước ta (cùng với tôm, cá tra và cá rô phi), được ưa chuộng tại nhiều thị trường, nhất là EU, mang về trăm triệu USD mỗi năm.

“Đi” 60 thị trường, mang về trăm triệu USD

Việt Nam có bờ biển dài 3.260km, 112 cửa sông, trên 3.000 đảo lớn nhỏ, 200.000ha rừng ngập mặn, vùng đặc quyền kinh tế biển hơn 1 triệu km2 và diện tích mặt nước lớn của vịnh, đầm phá ven biển, và hệ sinh thái đa dạng. Điều này khá phù hợp cho việc nuôi các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ, đặc biệt là nghêu trắng Meretrix - có thể chế biến được đa dạng sản phẩm hơn các dòng nghêu khác trên thế giới.

Hiện, nghêu trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn sang 42 nước trên thế giới. Nguồn: ITN

Hiện, nghêu trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn sang 42 nước trên thế giới. Nguồn: ITN

Những năm gần đây, nghề nuôi, chế biến và kinh doanh nghêu đang dần trở thành nguồn sinh kế quan trọng của người dân vùng ven biển, góp phần nâng cao thu nhập cho hàng trăm hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. Cả nước hiện có trên 41.500ha nuôi nhuyễn thể 2 mảnh, sản lượng hàng năm 265.000 tấn/năm, trong đó có 179.000 tấn nghêu/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 200.000 lao động.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, nghêu là 1 trong 4 loại thủy sản xuất khẩu chủ lực của nước ta, có mặt tại 60 nước trên thế giới trong đó có EU, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN... Năm 2022, xuất khẩu nhuyễn thể mang về gần 150 triệu USD, riêng xuất khẩu nghêu chiếm 70%, đạt 104,5 triệu USD, tăng 7% so với năm 2021.

Năm 2023, cùng với khó khăn chung của ngành thủy sản, 9 tháng năm nay, xuất khẩu nghêu chỉ đạt 62 triệu USD, giảm 19%. Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới nhu cầu của thị trường quốc tế đối với mặt hàng nghêu sẽ tiếp tục tăng. Cùng với những lợi thế về sản xuất trong nước cộng với dư địa lớn về thị trường tiêu thụ, hướng đi bền vững, ngành hàng nghêu kỳ vọng sẽ vươn tầm cao mới trong tương lai.

Hiện, cả 4 tỉnh nuôi nghêu chủ lực là Trà Vinh, Tiền Giang, Ninh Bình, Nam Định đều đã được trao chứng nhận ASC cho chuỗi giá trị nghêu. Đây là xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và bảo đảm tốt các quy định về lao động. Chứng nhận ASC được xem như tấm visa “VIP” mở ra nhiều cơ hội lớn cho các hợp tác xã và các hộ nuôi nghêu, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt là giúp mở rộng thị trường, thu hút được nhiều doanh nghiệp mua hàng, từ đó, người nuôi nghêu có thể chủ động đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm.

Chuẩn hóa quy trình nuôi và thu hoạch

Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn Hà Lan hoạt động tại cụm công nghiệp An Xá (tỉnh Nam Định), có chức năng nuôi trồng, khai thác, đánh bắt, chế biến và kinh doanh thương mại các loại ngao và nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Công ty đã được tổ chức SGS cấp chứng chỉ FSSC 22000 (Hệ thống An toàn Thực phẩm), chứng nhận Halal và sản phẩm chất lượng Vàng Thủy sản Việt Nam. Đến hết tháng 10.2023, Công ty chế biến được khoảng 10.000 tấn sản phẩm, xuất khẩu hơn 80% sang thị trường EU, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc.

Đại diệnCông ty Lenger Việt Nam cho biết, Việt Nam có tiềm năng nuôi nghêu rất lớn. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, cần có những trại giống thuần chủng, thống nhất quy trình nuôi khoa học và chuẩn hóa phương pháp thu hoạch; đồng thời, bảo vệ môi trường để nuôi nghêu, an toàn. Công ty đã lên kế hoạch xây dựng trại sản xuất nghêu giống công nghệ cao và mô hình nuôi nghêu trên bờ trong các ao đầm. Khi có nguồn cung ổn định, bền vững, chất lượng tốt, giá thành hạ sẽ thúc đẩy ngành chế biến nghêu phát triển, với nhiều sản phẩm mới theo hướng giá trị gia tăng cho nhiều thị trường khác nhau. Điều này cũng cho phép chúng ta hướng tới mục tiêu xây dựng ngành nuôi nghêu thành ngành nuôi trồng thủy sản thứ ba, sau nuôi tôm và cá tra.

Toàn tỉnh Trà Vinh có 7 hợp tác xã nuôi nghêu với tổng diện tích khoảng 1.000ha ở 2 huyện Châu Thành, Cầu Ngang và thị xã Duyên Hải, sản lượng thu hoạch 4.000 - 6.000 tấn/năm. Để phát triển ngành nghêu lâu dài, UBND tỉnh đã chuyển giao kỹ thuật sản xuất nghêu giống nhân tạo và ương giống cho hợp tác xã; tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo xác định vùng nuôi an toàn. Đồng thời, tỉnh cũng cải tiến hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường và hệ thống cung cấp thông tin thị trường cho các chủ thể. Các ban ngành của tỉnh đã và đang hỗ trợ tích cực thông tin thị trường, bao gồm giá cả, sản lượng và nhu cầu; tăng cường liên kết để hợp tác xã, nông dân có nguồn cung cấp giống và tiêu thụ ổn định, hợp lý…

Lam Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/trien-vong-xuat-khau-ngheu-i355219/