Triệt để xử lý hình sự vi phạm khai thác hải sản trái phép

Theo Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP (Nghị quyết 04), ngày 12/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024, một số hành vi vi phạm về khai thác thủy sản bất hợp pháp sẽ bị xử lý hình sự. Hiện các địa phương đã được chỉ đạo triển khai xử lý ngay các vụ việc từ 1/8/2024.

Giải pháp “rắn” với các vi phạm nặng

Theo chỉ đạo mới đây của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp với các tỉnh thành ven biển liên quan đến vấn đề chống khai thác hải sản trái phép, trong thời gian từ nay đến 1/8, các địa phương sẽ chuẩn bị hồ sơ các vụ vi phạm về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp để có thể đưa ra xét xử theo các quy định của Nghị quyết 04.

Theo đó, các hành vi như: xuất cảnh đi khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam, tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh để đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam; khai thác, mua bán, vận chuyển thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; buôn lậu, vận chuyển trái phép thủy sản… sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự với các vi phạm kể trên chỉ áp dụng với người chủ mưu, người môi giới, tổ chức xuất cảnh, nhập cảnh và những người tái phạm nhiều lần, không xử lý đối với ngư dân làm thuê.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng xử lý hình sự triệt để các vụ việc vi phạm đối với lĩnh vực này. Vì thế, các địa phương ven biển thời gian qua có sự quan tâm, chỉ đạo khá quyết liệt. Việc phổ biến Nghị quyết 04 đến các sở ngành, doanh nghiệp và ngư dân đều đã được các tỉnh, thành triển khai rất khẩn trương.

Ghi nhận tại các địa phương từ Bình Định vào Cà Mau, hiện nay việc rà soát và hỗ trợ doanh nghiệp, ngư dân đăng ký, đăng kiểm tàu cá và trang bị hệ thống giám sát hành trình (VMS) đều đã được tiến hành.

Theo báo cáo của Cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đến nay có 24/28 tỉnh, thành có biển đã thực hiện quản lý, giám sát hoạt động tàu cá ra, vào cảng và sản lượng bốc dỡ hải sản, cấp giấy phép các lô hàng hải sản xuất khẩu vào EU qua hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử quốc gia (eCDT). Theo kế hoạch, đến 1/8, tất cả 28 tỉnh, thành trên và 100% cảng cá trên cả nước sẽ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia eCDT.

Riêng đối với việc rà soát, chuẩn bị hồ sơ các vụ vi phạm để có thể xử lý hình sự theo Nghị quyết 04, theo ghi nhận Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) hiện nay tình trạng vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương, tình trạng tàu cá ngắt kết nối VMS trên 10 ngày vẫn khá phổ biến. Thời gian qua, một số địa phương như Hà Tĩnh, Vũng Tàu, Kiên Giang đã tiến hành thu thập hồ sơ để xử lý hình sự một số vụ việc vi phạm quản lý cảng cá, tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép và sử dụng trái phép vật liệu nổ để đánh bắt hải sản.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, từ nay đến tháng 10/2024, đơn vị này sẽ tập trung mọi giải pháp để ngăn chặn giảm thiểu tối đa tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiên quyết xử lý triệt để những tàu cá vi phạm.

Hầu hết các địa phương đều đã phổ biến đến doanh nghiệp, ngư dân về những biện pháp ngăn chặn và chế tài với các hành vi khai thác hải sản trái phép

Hầu hết các địa phương đều đã phổ biến đến doanh nghiệp, ngư dân về những biện pháp ngăn chặn và chế tài với các hành vi khai thác hải sản trái phép

Phạt hành chính đủ sức răn đe

Theo các doanh nghiệp và ngư dân tại các tỉnh ven biển phía Nam, việc Chính phủ và các bộ ngành, địa phương quyết tâm xử lý triệt để các hành vi đánh bắt hải sản trái phép là đúng và phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững ngành đánh bắt, chế biến xuất khẩu hải sản hiện nay.

Về phía doanh nghiệp, ông Phan Tấn Đức - chủ một doanh nghiệp nhỏ chuyên buôn bán hải sản tại Cà Mau cho rằng, hiện nay mức phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm về đánh bắt hải sản trái phép cũng không hề nhẹ. Chẳng hạn như Nghị định 38/2024/NĐ-CP hiện nay có quy định, nếu vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài thì toàn bộ tàu cá sẽ bị tịch thu, mức tiền phạt rất nặng, có khi lên đến hơn 2 tỷ đồng.

Ông Đức cho rằng đây là số tiền lớn, nhiều khi là cả cơ nghiệp của gia đình ngư dân hoặc doanh nghiệp nhỏ. “Vì thế đối với ngư dân, doanh nghiệp làm ăn chân chính, kiếm ăn từ con tôm con cá ngoài biển thì chẳng ai muốn vi phạm để bị xử phạt”, ông Đức nói.

Theo ông Phạm Quốc Sử, Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau, hiện nay, chưa tính đến các trường hợp phải truy cứu trách nhiệm hình sự, thì với các quy định chặt chẽ về xử phạt hành chính hiện nay cũng đã có sức dăn đe đối với doanh nghiệp đánh bắt, khai thác hải sản và ngư dân.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc triển khai các nội dung xử phạt hình sự đối với lĩnh vực khai thác hải sản trái phép theo Nghị quyết 04 cần thận trọng, do đặc thù lĩnh vực này liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau. Bên cạnh đó, việc thực thi chính sách ở cấp cơ sở có thể sẽ có nhiều lỗ hổng, tạo ra các tranh chấp ảnh hưởng xấu đến đàm phán gỡ “thẻ vàng IUU” đối với ngành khai thác, đánh bắt hải sản của Việt Nam.

Đỗ Cường

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/triet-de-xu-ly-hinh-su-vi-pham-khai-thac-hai-san-trai-phep-153531.html