Triết lý phát triển để Quảng Ninh dẫn đầu
Dựa vào triết lý phát triển 'đường đi trước một bước', 'lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư', Quảng Ninh đã bứt phá thành cực tăng trưởng hàng đầu đất nước.
Tại Đại hội Đảng 13, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết, kinh tế Quảng Ninh liên tục tăng trưởng cao với tốc độ bình quân 10,7%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 trên 6.700 USD, gấp hơn 2 lần mức chung cả nước.
Ông Nguyễn Xuân Ký nói, một trong những kinh nghiệm dẫn đến thành tích vượt trội đó là “đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển”, bám sát thực tiễn, hành động theo quy luật khách quan và xác định chiến lược dài hạn.
“Chúng tôi thực hiện phương châm ‘Quy hoạch tổng thể; xây dựng từng phần’; cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện,…”, ông nói.
Đó là một quá trình dài từ nhận thức đến hành động để biến Quảng Ninh từ một vùng đất từng dựa vào than và khai thác tài nguyên thành một cực tăng trưởng đầy sinh động của đất nước.
Cải cách mạnh mẽ
Năm 2016, trong lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc gọi Quảng Ninh là một trong những “ngôi sao cải cách”.
Năm đó, Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí á quân sau nhiều năm chỉ xếp bậc trung, khoảng thứ 20. Vị trí số 1 luôn được dành cho Đà Nẵng (7 lần đứng đầu) trong khi các tỉnh cũng luôn cạnh tranh nhau để vươn lên.
Quảng Ninh vươn lên thứ hạng cao nhờ hàng loạt cải cách sau khi thành lập Trung tâm hành chính công, ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, thực hiện bộ chỉ số đánh giá chất lượng điều hành của các sở, ngành.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh ưu tiên mọi nỗ lực để cải cách hành chính, giảm gần 50% thời gian giải quyết thủ tục cho người dân và doanh nghiệp để thu hút đầu tư.
Đến nay thì ngôi vương của Quảng Ninh trong bảng xếp hạng PCI đã trở thành quen thuộc. Tỉnh duy trì vị trí đầu bảng trong 3 năm liên tiếp gần đây và trong top 5 tỉnh, thành có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước trong 7 năm liên tiếp.
Không chỉ PCI, các chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của Quảng Ninh luôn đứng ở nhóm dẫn đầu.
Những kết quả đó là nhờ nỗ lực vận hành hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, triển khai mô hình chính quyền điện tử, đề án chính quyền số và Trung tâm điều hành thành phố thông minh…
Ông Nguyễn Xuân Ký nói: “Những cố gắng đó nhằm tạo thuận lợi lớn cho người dân, doanh nghiệp, góp phần xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ”.
Chuyển từ ‘nâu’ sang ‘xanh’ và 7 bản quy hoạch tạo hành lang cất cánh
Trong buổi lễ khai trương cảng hàng không Vân Đồn, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long với tổng trị giá 20 ngàn tỷ đồng cuối năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã có tư duy, nhận thức, định hướng phát triển, triển khai chủ trương của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa nguồn lực. Ông cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương khác nghiên cứu mô hình phát triển để nhân lên ở địa phương mình.
Ba công trình do doanh nghiệp tư nhân đầu tư ở trên là một trong những điểm nhấn về cơ sở hạ tầng không những của Quảng Ninh, mà còn trong toàn quốc.
Trước đó, tháng 9/2014, UBND Quảng Ninh tổ chức hội nghị công bố 7 quy hoạch chiến lược phát triển giai đoạn 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và công bố danh mục 48 dự án động lực mới. Đây là các bản quy hoạch phát triển dài hạn, bài bản được các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới như McKinsey, BCG (Mỹ), Nikken Sekkei, Nippon Koei (Nhật Bản) giúp thành lập.
Ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh lúc đó, một trong những người thúc đẩy phát triển các quy hoạch chiến lược này khẳng định: 7 bản quy hoạch mà tỉnh chính thức công bố với các nhà đầu tư trong và ngoài nước thể hiện quyết tâm rất lớn của địa phương trong việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng chuyển đổi phương thức từ "nâu" - nặng về công nghiệp khai khoáng, sang "xanh" - phát triển dịch vụ du lịch, công nghệ cao.
Các bản quy hoạch đó đã tạo một hành lang rộng mênh mông để Quảng Ninh cất cánh sau này.
‘Đường đi trước một bước
Ông Nguyễn Xuân Ký nói: “Chúng tôi bám sát 7 quy hoạch chiến lược, kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển ‘một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá’ nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh của tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Chúng tôi dựa vào quan điểm ‘đường đi trước một bước’, ‘lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư’ để phát triển cơ sở hạ tầng. Đến nay, hàng loạt các công trình như tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long; tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, và tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được đưa vào sử dụng, rút ngắn đáng kể thời gian đi từ Quảng Ninh đến các tỉnh trong vùng”.
Các công trình này đã giúp Quảng Ninh vươn lên thành một tỉnh rất dễ tiếp cận với các nhà đầu tư, khách du lịch…, giải quyết được điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong thời gian trước đây.
Theo ông Ký, trung bình cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra thì huy động được 8 - 9 đồng vốn ngoài ngân sách cho phát triển cơ sở hạ tầng. Tổng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đạt trên 123.000 tỷ đồng giai đoạn 2016-2020.
Kiến nghị tăng phân cấp, phân quyền
Phát biểu tại Đại hội 13, Bí thư Quảng Ninh cho biết, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có do Covid-19 gây ra, tỉnh đã ưu tiên cao nhất cho công tác phòng chống dịch, kiểm soát tốt được tình hình đảm bảo thành công “mục tiêu kép” vừa chăm lo, bảo vệ an toàn sức khỏe nhân dân, vừa ổn định kinh tế - xã hội, nhanh chóng phục hồi sản xuất - kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng.
GRDP cả năm đạt 10,05%, đứng thứ ba cả nước, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 49.500 tỷ đồng, vượt 10% so với dự toán, hoàn thành các mục tiêu quan trọng của cả giai đoạn 2016 - 2020. Quy mô của nền kinh tế đến năm 2020 đạt khoảng 220.000 tỷ đồng, gấp 1,86 lần của năm 2015.
Bí thư Quảng Ninh cũng kiến nghị cần tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý hơn giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương và thí điểm áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, tăng quyền chủ động về quản lý ngân sách, đầu tư phát triển, cơ chế huy động nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển, quản lý quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng đô thị, tổ chức bộ máy, biên chế... để tạo đột phá về tăng trưởng.