Triết lý thấm thía về tình đời, tình người

Nguyễn Bảo là nhà văn chuyên viết về đề tài chiến tranh cách mạng, gần đây nhất là các tiểu thuyết nổi tiếng, được dư luận đánh giá cao như 'Thượng Đức' (2007) và 'Đỉnh máu' (2011). Năm 2017, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã phát hành cuốn tiểu thuyết 'Trang trại có ma' của Nguyễn Bảo.

Với nhà văn suốt một đời vừa cầm súng, vừa cầm bút, đúng nghĩa với tên gọi "người lính viết văn", đến cuốn mới này Nguyễn Bảo chuyển sang thể thế sự đời tư liệu có trái với sở trường? Đọc hết tiểu thuyết có cái tên “liêu trai” là "Trang trại có ma" thấy mừng cho anh, vẫn dẻo dai, mới mẻ, lại có phần sâu đằm hơn với những triết lý thấm thía về tình đời, tình người.

Câu chuyện đi theo cuộc đời nhân vật Tuấn (có biệt hiệu Tuấn râu) từ khi còn là học sinh phổ thông đến khi già, rồi nhắm mắt xuôi tay, nghĩa là câu chuyện của gần một đời người. Nhưng đó chỉ là cái trục, qua một thân phận, số phận để kể về nhiều câu chuyện xã hội, về nhân tình thế thái trong mấy chục năm. Từ một đời người bạn đọc sẽ nhìn thấy cả một thời đại, ngẫm về một cuộc đời là suy ngẫm về những ứng xử sao cho đúng mực, phải đạo với người thân, bạn bè, quê hương, đất nước.

Từ khi còn là học trò phổ thông, Tuấn học giỏi nhưng đã sớm có cái lọc lõi, láu cá riêng, rồi được tuyển đi học đại học ở nước ngoài, về nước được làm giảng viên ở một trường đại học có tiếng. Nhưng anh ta không có hứng thú với công việc nghiên cứu giảng dạy mà bị cuốn vào dòng xoáy kinh tế thị trường đầy ma lực. Hành động thể hiện tính cơ hội đầu tiên là Tuấn lấy Thắm làm vợ không vì tình yêu mà vì nhiều thói thực dụng khác. Đi nước ngoài làm nghiên cứu sinh cũng vì mục đích buôn bán để kiếm được thật nhiều tiền. Về nước với tấm bằng tiến sĩ nhưng lại xoay sang chuyện buôn bán bất động sản. Bỏ vợ bỏ con rồi lấy vợ hai cũng chẳng vì tình yêu mà vì mục đích làm cái trang trại thật lớn. Đồng tiền đã làm lóa mắt một trí thức, biến Tuấn trở thành nô lệ của lợi ích, tham vọng. Dễ hiểu Tuấn càng phải có mưu sâu kế hiểm, phải tính toán, phải nanh nọc, phải lừa gạt cả anh em, bè bạn. Tuấn trở thành “con ma” trong một trang trại rộng lớn về không gian mà trống vắng lạnh lẽo về tình người, có thể giàu có về của cải nhưng nghèo nàn về tình nghĩa. Cuối cùng, như một hậu quả tất yếu, anh ta chết trong dằn vặt, trong cô đơn chính ở trang trại ấy.

Liệu lời trăn trối cuối cùng xin lỗi mọi người của Tuấn có làm vơi bớt sự ác cảm của bạn đọc về nhân vật? Tại sao một trí thức như Tuấn lại sa vào bi kịch ấy? Rất nhiều những câu hỏi mời gọi bạn đọc cùng trao đổi, cật vấn, phản biện, tranh luận. Câu chuyện thì khép lại trên câu chữ nhưng ý nghĩa của nó thì cứ mở ra. Đó là một thành công của tác giả ở phương diện dựng truyện, kể chuyện.

Tác giả rất có chủ ý khi cuối câu chuyện là hình ảnh những đám ma: lễ viếng vĩnh biệt ông già Thái Tuấn nhân hậu rất đông người; âm thanh văng vẳng tiếng kèn đưa đám một vị khi còn sống có quyền hành mà ác bá nên khi chết chỉ quanh quẩn mấy người nhà. Đó là quan niệm của tiểu thuyết: cuộc đời cũng thật công bằng, sống sao thì được vậy. Những hình ảnh về cái chết lại tái sinh ý nghĩa như là lời nhắc không cũ: Cuộc đời này cũng thật ngắn ngủi nên sống sao cho xứng đáng là con người tử tế! Dư âm của tiểu thuyết sẽ vang mãi hướng suy nghĩ của bạn đọc đi về những cái tốt, cái đẹp, tránh xa cái xấu, cái vị kỷ!

NGUYÊN THANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/triet-ly-tham-thia-ve-tinh-doi-tinh-nguoi-521576