Triệt phá 7 vụ án sản xuất hàng giả ở Thái Bình
Năm 2024, Công an tỉnh Thái Bình điều tra 7 vụ án, khởi tố 8 bị can về các hành vi sản xuất hàng giả, thu giữ hàng hóa trị giá hàng tỷ đồng.
Triệt phá nhiều cơ sở kinh doanh hàng giả
Ngày 14/10, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thái Bình ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và khám xét chỗ ở đối với Ngô Thị Hồng Vân (SN 1976, trú tại xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), Giám đốc Công ty TNHH may xuất khẩu Thanh Vân (xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương) về tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”; thu giữ giữ 1.230 chiếc áo và 950 chiếc quần gắn nhãn hiệu nổi tiếng thế giới với tổng giá trị trên 580 triệu đồng.
Trước đó, ngày 26/9, qua công tác nắm tình hình, Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu và môi trường (PC03 - Công an tỉnh Thái Bình) phát hiện Nguyễn Văn Công (SN 1993, hộ khẩu thường trú xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) có dấu hiệu của hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả trên mạng xã hội. PC03 đã phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra xưởng sản xuất của Công tại xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy.
Lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ và quản lý nhiều vỏ keg bia Hà Nội – HABECO và các keg bia có chứa bia thành phẩm.
Tại Cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Công khai nhận làm giả keg bia của Công ty bia Hà Nội – HABECO để chào bán cho các đại lý trên địa bàn các huyện Thái Thụy, Kiến Xương, Tiền Hải với giá bán của Công ty bia Hà Nội – HABECO.
Từ tháng 4/2024 đến nay, Nguyễn Văn Công sản xuất, tiêu thụ khoảng 940 keg bia giả, thu lời bất chính gần 400 triệu đồng.
Tháng 1/2024, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố 2 bị can về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” thu giữ hàng nghìn tang vật có liên quan để sản xuất mì chính giả…
Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm sản xuất buôn bán hàng giả
Để đấu tranh phòng, chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, thời gian qua, Công an tỉnh Thái Bình triển khai đồng bộ các biện pháp công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả.
Công an tỉnh cũng tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân nhận thức được hệ quả khôn lường của nạn hàng giả để từ đó xây dựng ý thức tích cực tham gia chống hàng giả, tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả với nhiều hình thức đa dạng như: xây dựng mô hình “Tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân phát hiện, tố giác hành vi buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, xâm phạm sở hữu trí tuệ”; phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, đài FM,…
Các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp công tác công an, chủ động nắm chắc tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật;
Đẩy mạnh quan hệ phối hợp giữa các lực lượng ngoài ngành như lực lượng Quản lý thị trường, Hải quan, Thanh tra chuyên ngành thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình, quy luật, thủ đoạn mới của tội phạm để nắm bắt và có kế hoạch đấu tranh phù hợp.
Thời gian tới, Công an tỉnh Thái Bình tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tổ chức sơ, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm từ thực tiễn công tác, từ đó phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong hệ thống chính sách, pháp luật để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan.
Bên cạnh đó, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng qua các kênh truyền thông, mạng xã hội và các sự kiện công khai như hội chợ nhận diện hàng thật - hàng giả, đẩy lùi vi phạm pháp luật về hàng giả, hàng nhái.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/triet-pha-7-vu-an-san-xuat-hang-gia-o-thai-binh-ar909457.html