Triệt phá đường dây chuyên làm giả văn bằng, học bạ: những điều người đi du học cần biết để tránh bị lừa
Với hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, người phạm tội có thể đối diện với mức hình phạt lên tới 7 năm tù giam.
Nhóm tội phạm bị triệt phá như thế nào?
CA quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội triệt phá một đường dây chuyên sản xuất, kinh doanh văn bằng, giấy tờ, hồ sơ học bạ giả, thu giữ nhiều máy móc thiết bị in ấn, hàng chục ngàn tem đổi màu, gần 600 mặt con dấu của nhiều cơ quan, tổ chức, trường học cùng nhiều văn bằng, học bạ, giấy tờ tài liệu giả.
Các đối tượng trong đường dây này gồm: Phạm Viết Lương, SN 1988, trú tại xã Đồng Văn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An; Lê Thị Hằng Nga, SN 1990, trú tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội; Hà Thế Duy, SN 1986, trú tại xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang; Hồ Thị Quỳnh Liên, SN 1991, trú tại phường Trường Thi, TP Vinh, Nghệ An, vừa bị Cơ quan CSĐT CA quận Bắc Từ Liêm, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam để điều tra về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Trước đó, ngày 1/7, trong quá trình tuần tra kiểm soát địa bàn phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, tổ công tác Đội Cảnh sát hình sự, CA quận Bắc Từ Liêm phát hiện một nam thanh niên đang cầm 2 bộ hồ sơ có biểu hiện nghi vấn tại đầu ngõ 177 đường Cầu Diễn. Qua kiểm tra hành chính, nam thanh niên khai nhận đang đi giao giấy tờ giả cho khách. Tổ công tác đã lập biên bản, đưa người liên quan về trụ sở để làm rõ.
Tại cơ quan CA, danh tính của nam thanh niên được xác định là Hà Thế Duy, làm nghề lái “xe ôm công nghệ”. Duy đã “hợp tác” với một người phụ nữ, thường xuyên đi lấy giấy tờ giả và mang giao cho khách.
Từ lời khai của shipper Hà Thế Duy, Cơ quan CA đã làm rõ một đường dây chuyên sản xuất, kinh doanh giấy tờ giả. Trong đó, Phạm Viết Lương là người trực tiếp sản xuất giấy tờ giả, Lê Thị Hằng Nga là người đăng quảng cáo với nội dung nhận làm các loại bằng giả, còn Hồ Thị Quỳnh Liên là khách đặt làm bằng giả.
Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Phạm Viết Lương tại huyện Mê Linh, cơ quan CA đã thu giữ 1 máy khắc laze; 1 máy tính xách tay, 1 máy in màu, 1 máy ép plastic, 100 vỏ bìa hồ sơ, 126 quyển học bạ THPT các loại chưa qua sử dụng; 14.568 con tem bảy màu các loại. Cơ quan CA còn thu giữ được 596 mặt con dấu các loại, 7 hộp dấu, 38 phôi bằng tốt nghiệp THPT chưa qua sử dụng cùng nhiều tang vật liên quan khác.
Quá trình điều tra xác định Hồ Thị Quỳnh Liên là nhân viên của một công ty tư vấn du học có địa chỉ tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, khi thấy Lê Thị Hằng Nga đăng tải quảng cáo nhận làm văn bằng, chứng chỉ, tài liệu giả trên mạng xã hội, đối tượng Liên đã kết nối với Nga để đặt làm giả học bạ, bằng tôt nghiệp khi gặp trường hợp học sinh điểm thấp không đủ điều kiện đi du học.
Hiện, vụ án đang tiếp tục được điều tra, mở rộng.
Khung hình phạt tương xứng?
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, với hành vi làm văn bằng, học bạ giả để gian lận hồ sơ du học. Vì vậy, việc CA quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam các đối tượng về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” là có cơ sở.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái viện dẫn, tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” được pháp luật quy định tại khoản 3 khoản 4 Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: (i) làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên, (ii) sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, (iii) thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng.
Ngoài ra, theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, việc sử dụng văn bằng, học bạ giả để gian lận hồ sơ du học cũng bị xử lý rất nghiêm khắc. Trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự, người sử dụng văn bằng, học bạ giả để qua mắt cơ quan chức năng sẽ bị truy cứu trách nhiệm về tội “Làm giả con giấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức”, theo Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Như vậy, việc sử dụng văn bằng, học bạ giả đều được pháp luật quy định rõ ràng và có những khung hình phạt tương xứng với từng hành vi. Việc các đối tượng bất chấp luật pháp làm văn bằng, học bạ giả là hành vi vi phạp pháp luật và gây nguy hại cho xã hội.