Triệt phá nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, thực phẩm bẩn

Liên tiếp trong những ngày gần đây, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, qua trinh sát, lực lượng chức năng cũng xử lý, triệt phá nhiều đường dây sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không đảm bảo chất lượng.

Điển hình, tại Lạng Sơn, ngày 18/3 vừa qua, hàng nghìn thực phẩm nhập lậu chứa trong container chạy lạnh đặt tại một địa điểm khá khuất tầm nhìn và ít người đi lại trên địa bàn thành phố Lạng Sơn vừa bị Đội QLTT số 6 (Cục QLTT Lạng Sơn) phát hiện và thu giữ. Lô hàng bao gồm sủi cảo, khoai môn, thịt viên, chả xoắn, xúc xích, bánh bao, trứng gà bao tử… tất cả đều được đóng túi bao gói sẵn. Số hàng hóa do nước ngoài sản xuất không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Gần 30.000 con gà giống không rõ nguồn gốc xuất xứ vừa được lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ

Gần 30.000 con gà giống không rõ nguồn gốc xuất xứ vừa được lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ

Mới đây nhất, ngày 22/3/2021, Đội QLTT số 6 tiếp tục phối hợp với Đội 389 tỉnh và cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra đối với xe ô tô biển kiểm soát 12C- 075.87 có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa vi phạm tại đường rẽ vào Trạm thu phí tỉnh lộ 242, thuộc địa phận thôn Na Hoa, xã Hồ Sơn, huyện Hữu Lũng phát hiện 30.000 con giống gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang vận chuyển 140 lồng nhựa màu vàng. Bên trong các lồng nhựa chứa gần 30.000 con gà giống từ 3-5 ngày tuổi. Làm việc với cơ quan chức năng, lái xe kiêm chủ hàng là ông Tô Văn Hiền, địa chỉ xã Gia Cát, huyện Cao Lộc khai nhận thu mua số hàng trên tại thôn Chi Ma, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình vận chuyển về phía sau tiêu thụ.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Hiền không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, giấy tờ kiểm dịch theo quy định cho lô hàng đang vận chuyển trên xe. Hiện đội QLTT số 6 đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ toàn bộ tang vật và phương tiện vận tải trên. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại Hưng Yên, trước đó, ngày 18/3/2021, Đội QLTT số 1, Cục QLTT Hưng Yên phối hợp với Đội 1, Phòng cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên tiến hành khám xe ô tô tải biển kiểm soát 29C–565.60 đang dừng dỗ tại đường Bạch Đằng, phường Minh Khai, thành phố Hưng Yên. Qua quá trình làm việc, xác định số hàng hóa trên xe là 7.000 kg vải cuộn các loại của bà Lê Thị Cẩm Loan, địa chỉ: D5/18 KP4, Tân Túc, Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh do nước ngoài sản xuất, không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp có liên quan. Đội QLTT số 1 đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để thẩm tra, xác minh, làm việc với các bên liên quan để củng cố hồ sơ xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Lực lượng QLTT Hưng Yên vừa phát hiện, triệt phá cơ sở sản xuất quần áo giả mại nhãn hiệu

Lực lượng QLTT Hưng Yên vừa phát hiện, triệt phá cơ sở sản xuất quần áo giả mại nhãn hiệu

Tiếp đến, ngày 19/3/2021, Đội QLTT số 1 tiếp tục phối hợp với Đội cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hưng Yên kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng may mặc của bà Trần Thị Huyền, có địa chỉ tại Thôn 1, xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên. Trong quá trình kiểm tra, phát hiện tại cơ sở đang sản xuất sản phẩm áo phông, áo khoác các loại mang các nhãn hiệu “BALENCIAGA”, “LOUIS VUITTON”, “BURBERRY”, “GUCCI” có dấu hiệu là hàng giả mạo nhãn hiệu.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh theo quy định, không xuất trình được hợp đồng gia công và hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Đội QLTT số 1 đã ra quyết định tạm giữ 508 cái áo phông các loại; 45 kg tem, mác; 600 kg nguyên phụ liệu và 08 máy móc các loại phục vụ việc sản xuất để tiếp tục xác minh, làm rõ hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu “BALENCIAGA”, “LOUIS VUITTON”, “BURBERRY”, “GUCCI” đang được bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam.

Lực lượng QLTT thu giữ nhiều sản phẩm không hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu lớn được bảo hộ tại Việt Nam

Lực lượng QLTT thu giữ nhiều sản phẩm không hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu lớn được bảo hộ tại Việt Nam

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, mới đây, Cục Nghiệp vụ QLTT, phối hợp với Cục QLTT thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra 03 cửa hàng kinh doanh quần áo, mỹ phẩm, giầy dép không có số nhà cùng một chủ sơ hữu nằm giữa số 421/18 và số 421/24 đường Sư Vạn Hạnh kéo dài, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ 2.006 đơn vị sản phẩm gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, giầy dép, túi sách không có hóa đơn, chứng từ mua bán hàng hóa. Đặc biệt, một số sản phẩm quần áo, giầy dép, túi sách có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Zara, Gucci, Chanel, Lacoste, NIike, Fila, Adidas,...

Cơ quan chức năng đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để xử lý theo quy định.

Hạ An

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/triet-pha-nhieu-co-so-san-xuat-kinh-doanh-hang-gia-thuc-pham-ban-79763.htm