Triệt phá nhiều đường dây buôn lậu vàng qua biên giới
Trong khi giá vàng liên tục biến động trên thị trường thế giới và trong nước, những đường dây buôn lậu vàng xuyên biên giới càng trở nên tinh vi, liều lĩnh. Bên cạnh các loại hàng hóa buôn lậu thông thường như thuốc lá, mỹ phẩm, đường cát hay hàng điện tử, thì vàng là thứ kim loại quý giá có giá trị thanh khoản cao, ít cồng kềnh đang trở thành món hàng 'nóng' được các đối tượng tội phạm ráo riết vận chuyển qua biên giới nhằm trốn thuế, rửa tiền hoặc đầu cơ tích trữ. Trước tình hình đó, BĐBP đã và đang triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, không ngừng nâng cao cảnh giác để bóc gỡ những thủ đoạn tinh vi của loại tội phạm này.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người, hàng hóa qua lại cửa khẩu. Ảnh: Quốc Phong
Mánh khóe tinh vi và liều lĩnh
Những năm gần đây, tình trạng buôn lậu vàng qua các tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc... diễn biến hết sức phức tạp. Các đối tượng lợi dụng địa hình rừng núi hiểm trở, sông suối, đường mòn, lối mở cùng sự thông đồng giữa các cá nhân trong và ngoài nước để vận chuyển vàng trái phép qua biên giới. Nguyên nhân chính được xác định là do chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Nhiều thời điểm, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới quy đổi tới vài triệu đồng/lượng. Đó là “khoảng chênh” béo bở khiến các đối tượng bất chấp pháp luật, lén lút đưa vàng lậu vào trong nước để bán kiếm lời.
Qua nhiều chuyên án triệt phá thành công, lực lượng BĐBP đã ghi nhận hàng loạt chiêu thức tinh vi mà các đối tượng sử dụng. Trên các tuyến biên giới đất liền, vàng được chia nhỏ, bọc kỹ trong các gói nilon, giấu trong hành lý cá nhân, ruột bánh xe, bình xăng xe máy hoặc thậm chí là... trong người. Nhiều vụ lực lượng chức năng còn phát hiện đối tượng nữ giấu vàng trong quần áo lót, bụng giả hoặc băng vệ sinh. Trên tuyến đường sông và đường biển, các đối tượng thường lợi dụng đêm tối, dùng xuồng cao tốc di chuyển nhanh qua khu vực giáp ranh, hoặc sử dụng ghe chở hàng nông sản để cất giấu vàng bên trong. Có trường hợp dùng cả bình gas, thiết bị điện tử như loa kéo, ampli, tivi để ngụy trang.
Một chiêu thức khá phổ biến là “chẻ nhỏ lô hàng”, tức là không vận chuyển số lượng lớn một lúc mà chia nhỏ ra nhiều đợt, nhiều người, di chuyển theo nhiều cung đường khác nhau để qua mặt lực lượng chức năng. Có những đối tượng thuê người dân địa phương vốn rất am hiểu địa hình để “gùi hàng” xuyên rừng, lội suối để xuất, nhập cảnh trái phép.
Thượng tá Phạm Thành Trung, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây, BĐBP Long An cho biết, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn. Có khi chúng dùng người giả vờ đi buôn bán nhỏ lẻ để thăm dò phản ứng, sau đó mới thực hiện chuyển hàng thật. Lực lượng Biên phòng phải nắm chắc tình hình địa bàn, phối hợp chặt với cơ quan công an điều tra để bắt quả tang, có đầy đủ bằng chứng xử lý nghiêm.
Chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Thời gian gần đây, tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới vào Việt Nam vẫn diễn ra rất phức tạp, cho dù lực lượng chức năng đã liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép vàng, vụ việc sau số lượng lớn hơn vụ việc trước, cho thấy tình hình buôn lậu vàng vẫn còn nóng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đơn cử, vào khoảng 11 giờ, ngày 17/4, tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái, BĐBP Quảng Ninh đã phát hiện và bắt giữ đối tượng Phạm Thị Vân Anh, sinh năm 1984, trú tại phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đang có hành vi cất giấu trên người 4 thỏi kim loại màu vàng có trọng lượng 4kg nhưng không khai báo Hải quan. Qua điều tra xác minh ban đầu, Phạm Thị Vân Anh khai nhận, 4 thỏi kim loại màu vàng trên là vàng. Đối tượng nhận vận chuyển thuê cho một phụ nữ tên Quỳnh từ Trung Quốc về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái để lấy tiền công. Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã hoàn chỉnh hồ sơ, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Mới đây nhất, vào khoảng trung tuần tháng 6/2025, trong quá trình tuần tra kiểm soát tại đường mòn khu vực biên giới thuộc xã Biên Giới, huyện Châu Thành, lực lượng phối hợp gồm Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu, BĐBP Tây Ninh cùng Công an Tây Ninh đã phát hiện hai người từ hướng Campuchia nhập cảnh trái phép vào Việt Nam có nhiều biểu hiện nghi vấn nên tiến hành truy bắt. Khi phát hiện lực lượng chức năng, cả hai đối tượng lập tức bỏ lại xe máy cùng túi đồ chạy về phía Campuchia.

Lực lượng BĐBP Tây Ninh phát hiện 18kg vàng bị các đối tượng vứt lại tại hiện trường. Ảnh: ĐVCC
Kiểm tra nhanh chiếc túi, tổ công tác đã phát hiện và thu giữ 18 thỏi kim loại màu vàng, kích thước mỗi thỏi 11,5x5,1cm. Qua giám định, Phân viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã xác định toàn bộ số kim loại bị thu giữ là vàng nguyên chất 99,99%; giá trị lô vàng hơn 51,4 tỷ đồng. Căn cứ kết quả giám định, ngày 23/6, Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu đã khởi tố vụ án hình sự về hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.
Khép chặt biên giới
Để kiềm chế, giảm thiểu, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm buôn bán, vận chuyển vàng, tiền tệ qua biên giới, thời gian qua, Bộ Tư lệnh BĐBP thường xuyên chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhất là ở khu vực trọng điểm tăng cường triển khai biện pháp nghiệp vụ, chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, đấu tranh và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới. Cùng với đó, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành tuần tra, kiểm soát, lập chuyên án đấu tranh, không để địa bàn quản lý trở thành “điểm nóng” về các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, tiền tệ qua biên giới.
Không chỉ dừng lại ở việc bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát tại các điểm chốt, lực lượng BĐBP còn tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong giám sát khu vực biên giới. Các trạm camera giám sát, hệ thống radar biển, thiết bị soi chiếu di động được triển khai ở những điểm nhạy cảm giúp phát hiện kịp thời dấu hiệu bất thường. Song song với đó, công tác vận động quần chúng và xây dựng thế trận biên phòng toàn dân được đặc biệt chú trọng. BĐBP đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chống buôn lậu, giải thích cho bà con hiểu rõ tác hại của việc tiếp tay cho tội phạm buôn lậu, vận chuyển hàng cấm.
Không ít trường hợp người dân sau khi được vận động đã tự nguyện cung cấp thông tin giúp triệt phá các vụ việc lớn. Đại tá Tô Văn Đồng, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ BĐBP Quảng Ninh cho biết, muốn chống buôn lậu hiệu quả thì phải dựa vào dân, vận động bà con không tiếp tay, không bị mua chuộc. Đồng thời, các đồn Biên phòng cần phối hợp chặt chẽ với Hải quan, Công an, Quản lý thị trường để xử lý từ gốc tới ngọn.
Dù đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, song công tác chống buôn lậu vàng vẫn còn đối mặt với không ít thách thức. Một số quy định pháp luật hiện nay còn chưa rõ ràng về chế tài xử lý hành vi vận chuyển vàng trái phép, gây khó khăn cho việc truy tố. Nhiều vụ bị bắt quả tang chỉ bị xử lý hành chính vì chưa đủ định lượng truy cứu hình sự. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng vẫn còn mỏng, trong khi các tuyến biên giới trải dài, nhiều nơi địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt. Việc đầu tư thêm thiết bị giám sát hiện đại, nâng cao năng lực điều tra, hỗ trợ pháp lý cho các lực lượng làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu là rất cần thiết.
Buôn lậu vàng là một dạng tội phạm kinh tế nguy hiểm, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, đồng bộ và kiên trì trong đấu tranh. Lực lượng BĐBP với vai trò nòng cốt nơi tuyến đầu đang ngày đêm bám trụ, không ngừng củng cố thế trận lòng dân, kết hợp nghiệp vụ sắc bén để ngăn chặn những “dòng chảy ngầm” của thứ kim loại quý giá. Đằng sau mỗi chuyên án thành công là sự hy sinh thầm lặng, là những bước chân không mỏi giữa núi rừng, sông nước để giữ gìn an ninh kinh tế và chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.