Triệt phá tội phạm cho vay lãi nặng
Tội phạm cho vay lãi nặng đã làm tan nát bao gia đình, gây mất an ninh trật tự biết bao xóm làng, khu dân cư.
Gần đây, nhiều người bàn tán việc Nguyễn Bá T. ở xã Quốc Tuấn nhận cầm cố một chiếc điện thoại của anh N.H.H. ở thị trấn Nam Sách để cho vay 500.000 đồng, lấy lãi 10.000 đồng trong 10 ngày. Số tiền lãi tương đương 219%/năm, vi phạm quy định của Bộ luật Dân sự (số tiền cho vay lãi không được quá 100%/năm). Với vi phạm trên, Nguyễn Bá T. đã bị Chủ tịch UBND huyện Nam Sách xử phạt 10 triệu đồng và buộc trả lại 27.300 đồng tiền lãi thu lợi bất hợp pháp.
Sự việc cho vay số tiền không lớn, thậm chí là nhỏ để lấy lãi cao như trên không hiếm. Nhiều người cần tiền ngay, người khác có tiền sẵn nên 2 bên đồng thuận vay mượn với lãi suất cao, vượt quá quy định. Có những trường hợp cả người cho vay và đi vay biết mức lãi suất là vi phạm pháp luật song vẫn thống nhất vay mượn. Cũng có những người đi vay không biết phải trả lãi cao là trái pháp luật.
Tình trạng cho vay lãi nặng xuất hiện từ nhiều năm qua và vẫn đang diễn biến phức tạp với những chiêu trò, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Báo cáo của Chính phủ trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vừa qua cho thấy năm 2023 nhiều loại tội phạm tiếp tục gia tăng, trong đó có một số loại tội phạm tăng mạnh như giết người, cướp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Trong đó, tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tăng 67,85% so với năm 2022.
Theo Bộ Công an, từ khi thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ đến giữa năm 2022, lực lượng công an trong cả nước đã khởi tố 1.038 vụ với 2.025 đối tượng về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và xử lý hành chính 359 vụ với 485 đối tượng vi phạm.
Tại Hải Dương, ngày 31/5/2023, Tòa án Nhân dân huyện Kim Thành đã tuyên phạt 8 năm tù đối với Nguyễn Văn Hà (xã Tuấn Việt) về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Trong nhiều năm, Hà đã cho nhiều người vay với mức lãi suất từ 3.000 - 5.000 đồng/triệu đồng/ngày, gấp từ 5,4 - 9,1 lần lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính gần 1,4 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Tòa án Nhân dân tỉnh, từ ngày 1/10/2020 đến ngày 30/9/2022, tòa án 2 cấp trong tỉnh đã thụ lý 17 vụ với 34 bị cáo về tội cho vay lãi nặng, tăng 11 vụ và 26 bị cáo so với cùng kỳ trước đó.
Để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng cho vay nặng lãi đẩy mạnh cho vay qua mạng (qua App). Xuất hiện biến tướng của tội phạm này là thành lập các doanh nghiệp cho vay đáo hạn ngân hàng với lãi suất rất cao, thủ tục vay đơn giản. Việc triệt phá tội phạm rất khó khăn do các đối tượng sử dụng công nghệ cao, sim rác, tài khoản mạng xã hội ảo...
Tội phạm cho vay nặng lãi đã gây họa cho biết bao gia đình, làm mất an toàn xã hội.
Việc ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là cấp thiết, góp phần làm lành mạnh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự. Mỗi người dân cần cảnh giác khi tìm đến nguồn tiền mang tính chất “tín dụng đen” để không mắc bẫy.
Các địa phương, cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cho vay trong các giao dịch dân sự. Lực lương công an đẩy mạnh trấn áp tội phạm này. Hệ thống ngân hàng nhà nước tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, các gói, khoản cho vay ưu đãi; có chính sách mở rộng các loại hình cho vay, sản phẩm dịch vụ ngân hàng…
Hiện nay, mức hình phạt với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự chưa thực sự đủ sức răn đe. Đây là một bất cập của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/triet-pha-toi-pham-cho-vay-lai-nang-365870.html