Triệt phá tổng kho hàng giả nhãn hiệu nổi tiếng khi đang livestream, bán hàng trên Facebook
Khi nhân viên đang tiến hành livestream bán hàng trên tài khoản 'Ngọc Quyên Gia Lai' với hàng trăm nghìn lượt follow, Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (QLTT) - Tổng cục QLTT đã phối hợp với Cục QLTT tỉnh Gia Lai và Công an TP Pleiku bất ngờ tiến hành kiểm tra, phát hiện hàng loạt hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), sau thời gian dài thẩm tra, xác minh, sáng ngày 2/11, khi nhân viên đang tiến hành livestream bán hàng, lực lượng chức năng đã bất ngờ ập vào kiểm tra hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên (Ngọc Quyên Shop), địa chỉ số 121/5 Lê Đại Hành, tổ 3, phường Đống Đa, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Cơ sở này đã tiến hành đăng ký thủ tục thành lập hộ kinh doanh lần đầu tại UBND TP Pleiku vào đầu tháng 3/2021 với địa chỉ trụ sở chính tại số 121 Lê Đại Hành, tổ 3, phường Đống Đa, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai với ngành nghề buôn bán hàng may mặc.
Hộ kinh doanh do bà Trương Ngọc Quyên, sinh năm 1993 tại TP. Pleiku làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận hàng hóa được chất đống ngổn ngang từ khu vực phía ngoài cổng đến kho chứa sâu bên hông khu vực nhà ở.
Hàng loạt sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng chất đống ngổn ngang
Rất nhiều các sản phẩm như: nước hoa Gucci, Tom Ford, YSL, Chanel, Louis Vuitton, Dior, Boss, Sauvage, Lancome, Kilian….; giày, dép, túi, ví các thương hiệu Chanel, adidas, Nike; Mỹ phẩm các nhãn hiệu Vaseline, Bioderma; các loại thực phẩm chức năng giảm cân cấp tốc trong vòng 7 ngày cùng nhiều mặt hàng là đồ gia dụng, tiêu dùng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên không có cửa hàng kinh doanh cố định. Toàn bộ hàng hóa được kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, cụ thể là livestream bán qua Facebook cá nhân dưới tên “Ngọc Quyên Gia Lai”, tài khoản này có hàng trăm nghìn người theo dõi.
Các livestream cũng được phát lại tại các tài khoản khác mang tên “Ngọc Quyên”.
Tại các phiên livestream mà lực lượng QLTT theo dõi, rất nhiều các sản phẩm như: giầy Gucci, giày adidas, hay Nike được Shop chào bán với giá từ 80.000 đến trên 100.000 đồng/sản phẩm.
Các loại đồng hồ, kính mắt các nhãn hiệu Versace, Gucci, LV có giá từ 30.000 đồng đến dưới 200.000 đồng/ sản phẩm. Các loại mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, nước giặt có giá từ 20.000 đến dưới 100.000/ sản phẩm.
Theo nhận định ban đầu của lực lượng chức năng, hành vi vi phạm tại Hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên có dấu hiệu sử dụng ứng dụng bán hàng không thông báo với cơ quan có thẩm quyền; kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu.
Ước tính số lượng hàng hóa có dấu hiệu vi phạm lên đến hàng chục ngàn sản phẩm.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở kinh doanh chưa xuất trình được các hóa đơn chứng từ hợp pháp đồng thời thừa nhận hàng hóa được nhập chủ yếu trên nền tảng thương mại điện tử từ nhiều địa điểm khác nhau.
Tăng cường xử lý các vụ việc giả mạo nhãn hiệu
Lãnh đạo Tổng cục QLTT cho biết, thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ tăng cường theo dõi, rà soát để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi bán hàng giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu công khai trên các nền tảng thương mại điện tử, góp phần mang lại niềm tin cho người dân và xã hội, kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước cũng như thu hút sự quan tâm, tin tưởng của các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư tại thị trường Việt Nam.
Đối với hàng hóa tại hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên nêu trên, hiện lực lượng QLTT đang tiến hành kiểm đếm, phân loại sản phẩm vi phạm để làm cơ sở xử lý theo quy định.
Thông tin thêm, đại diện Tổng cục QLTT cho biết, thời gian qua, việc kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử nở rộ tại Việt Nam, nhất là từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Tại nhiều tỉnh thành, lực lượng QLTT đã truy quét và xử lý triệt để hàng loạt các vụ việc, thu giữ lượng lớn hàng hóa vi phạm. Đã có nhiều vụ việc QLTT tiến hành chuyển hồ sơ sang Cơ quan Công an khởi tố, bắt tạm giam đối tượng vi phạm.
Mới đây nhất, Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã tiến hành khởi tố 2 bị can về tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quy định tại khoản 2 Điều 226 Bộ luật hình sự. Hai đối tượng là Trương Thị Liên (SN 1971 ở xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung) và Nguyễn Thị Thảo (sinh năm 1994 ở phường Quảng Châu, TP. Sầm Sơn, là con dâu của Liên). Kết quả điều tra ban đầu xác định, Trương Thị Liên cùng con dâu là Nguyễn Thị Thảo đã mua nhiều loại hàng hóa khác nhau giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng thế giới. Tổng số hàng hóa giả mạo nhãn hiệu gồm 54 chủng loại với 13.370 sản phẩm, trị giá trên 973 triệu đồng.
Ngày 29/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.
Đề án nhằm mục tiêu chung là hoàn thiện chính sách, pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng Trong hoạt động thương mại điện tử. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để các cấp, các ngành, người dân doanh nghiệp tự giác, chấp hành tốt chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng. Nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến. Bảo đảm hoạt động thương mại điện tử minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam.
Phan Trang