Triệt sản, đặt vòng vẫn sinh con có bất thường?

Mới đây, hình ảnh một bé sơ sinh chào đời trên tay còn nắm chặt vòng tránh thai của người mẹ được chia sẻ rầm rộ trên mạng.

Trẻ chào đời cùng vòng tránh thai lẫn trong bánh nhau tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng

Trẻ chào đời cùng vòng tránh thai lẫn trong bánh nhau tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng

Đặt vòng vẫn mang thai

PGS. Nguyễn Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng xác nhận: “Hình ảnh trẻ sơ sinh chào đời, trên tay nắm chặt vòng tránh thai đang được cộng đồng mạng chia sẻ đúng là trẻ sinh ra tại khoa Sản của bệnh viện. Đây là trường hợp mẹ cháu bé dù đã đặt vòng tránh thai nhưng vẫn mang thai”.

Cụ thể, thai phụ là chị T.T.P.L (34 tuổi, trú quận Dương Kinh, Hải Phòng). Chị L. đã sinh thường hai lần đầu và đặt vòng tránh thai vào 2 năm trước. Tuy nhiên, khi thấy bị chậm kinh, chị đi siêu âm thì biết thai nhi làm tổ ở vị trí đặt vòng nên không thể lấy vòng ra. Ban đầu chị có ý định bỏ thai nhưng lại nghĩ đó là “của trời cho” nên quyết định sinh con.

Sáng 30/6, chị L. trở dạ rồi sinh một bé trai nặng 3,3kg. Khi chào đời, kèm trong bánh nhau của bé là 1 chiếc vòng tránh thai. Các bác sĩ đã lấy chiếc vòng đặt vào tay cháu bé và ghi lại khoảnh khắc kỳ diệu này. “Việc đặt vòng tránh thai rồi tiếp tục mang thai không phải là hiếm”, ông Hồi nhận định.

Còn theo BS. chuyên khoa sản Lê Thị Kim Dung, Phòng khám Sản khoa Thái Hà, hiện có rất nhiều phương thức tránh thai, tuy nhiên đặt vòng vẫn là biện pháp được nhiều phụ nữ lựa chọn. “Dù với cách tránh thai nào thì vẫn có xác suất “nhỡ” nên sau đặt vòng vẫn có thai là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nguyên nhân là vòng tránh thai có thể bị tuột, rơi, lệch khỏi vị trí do vấn đề kỹ thuật khi đặt vòng. Cũng có thể đặt vòng quá thời hạn hay vòng tránh thai không hợp với cơ địa người mẹ”, bà Dung nhấn mạnh.

BS. Dung cũng khuyến cáo, để tránh xảy ra hiện tượng mang thai khi đã đặt vòng, chị em nên đi khám phụ khoa và siêu âm tử cung 2 lần/năm. Điều này sẽ giúp phát hiện sớm việc vòng tránh thai bị lệch, nằm sai chỗ. Tình trạng này thường rất nguy hiểm, có thể gây bụng đau âm ỉ, xuất huyết bất thường và mang thai ngoài ý muốn.

Đồng thời, cần chú ý đến hạn sử dụng vòng tránh thai, trung bình từ 3 - 5 năm phải được gỡ bỏ hoặc thay thế bằng một cái mới. Nếu để lâu, nó có thể lún sâu vào thành tử cung và khiến việc lấy ra khó khăn, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Ngỡ ngàng triệt sản vẫn… sinh con

BS. Nguyễn Hữu Trung, Bệnh viện Hùng Vương TP HCM chia sẻ về 1 ca sản phụ sinh con thứ 4 mà ông trực tiếp đỡ đẻ. Điều đáng nói trước đó sản phụ này đã từng thực hiện kỹ thuật triệt sản. Được biết, vì đã 3 lần sinh mổ, với mỗi lần cách nhau chỉ 2 năm, lo ngại “nhỡ” sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nên vợ chồng chị quyết định chọn giải pháp triệt sản ngay khi sinh lần 3.

Bất ngờ sau 2 năm triệt sản, sản phụ xuất hiện các dấu hiệu ốm nghén, đi siêu âm thì được khẳng định thai đã 20 tuần tuổi. Cả hai vợ chồng chị cùng chung nỗi băn khoăn “phải chăng bác sĩ quên chưa triệt sản cho mình?”. Quyết định giữ lại thai nhưng vì đây là lần sinh thứ 4 nên sản phụ phải thường xuyên thăm khám để đảm bảo sức khỏe cả mẹ và thai nhi. Khi thai đủ 38 tuần, BS. Trung và đồng nghiệp mổ cho thai phụ.

BS. Trung cho hay: “Hình ảnh hai ống dẫn trứng có sẹo triệt sản rõ ràng. Tuy nhiên, trong y học luôn có một tỷ lệ thất bại nhất định. Cụ thể, chỉ số có thai ngoài ý muốn của phương pháp triệt sản nữ (thắt ống dẫn trứng) là 0,04. Điều này có nghĩa rằng y văn đã xác định rằng trong 10.000 phụ nữ đã được triệt sản thì có 4 phụ nữ sẽ có mang thai ngoài ý muốn trong 1 năm”.

Theo ông Trung, thắt ống dẫn trứng thường được chỉ định với những phụ nữ trên 30 tuổi, có 2 con sống khỏe mạnh, con nhỏ nhất trên 3 tuổi, vợ chồng không có nhu cầu có thêm con nữa. Ngoài ra, là phụ nữ có bệnh lý nền nặng, như suy tim nặng, bệnh phổi mạn tính, suy thận nặng, tâm thần… Hoặc người có tiền sử mổ lấy thai nhiều lần, mổ bóc nhân xơ tử cung…

“Triệt sản nữ là thủ thuật cắt một đoạn ở hai ống dẫn trứng. Về nguyên tắc, sau thủ thuật triệt sản, người phụ nữ sẽ vĩnh viễn không bao giờ có thai được nữa, trừ trường hợp phải can thiệp nối ống dẫn trứng hoặc thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, cũng không chủ quan bởi vẫn có tỷ lệ thất bại nhất định dù rất thấp. Do vậy, nếu chị em sau khi thực hiện phương pháp này, nếu thấy trễ kinh khoảng 2 tuần, nên mua que thử thai để biết kết quả có thai hay không. Bởi với những phụ nữ đã 3 lần sinh mổ việc lỡ có thai lần 4 thường có nguy cơ cao vỡ tử cung và nhiều biến chứng trong ca mổ”, ông Trung khuyến cáo.

Lan Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/triet-san-dat-vong-van-sinh-con-co-bat-thuong-d470760.html