Triệu chứng cần được lưu ý ở người mắc Covid-19
Covid-19 có thể gây ra một số triệu chứng như sốt, ho, mệt mỏi. Theo các chuyên gia tại Malaysia, một số tình trạng ít phổ biến như chóng mặt cũng cần được chú ý.
Theo một bài báo đăng trên Viện Y tế Quốc gia Mỹ, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra người mắc Covid-19 có thể gặp phải tình trạng chóng mặt. Đây vốn là triệu chứng hiếm gặp nhưng ngày càng trở nên phổ biến, nhất là sau khi khỏi bệnh.
Nguyên nhân
Chóng mặt (hay váng đầu, choáng váng) là cảm giác mất thăng bằng hoặc đứng không vững, loạng choạng, môi trường xung quanh đang chuyển động.
Khi Omicron xuất hiện, chóng mặt cũng là một trong 20 triệu chứng mà Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) liệt kê vào danh sách triệu chứng ở người nhiễm biến chủng mới.
Theo NHS, 20 triệu chứng liên quan Omicron đã được tích hợp vào ứng dụng phát hiện sớm ZOE Covid của Anh, bao gồm: Đau đầu; sổ mũi; mệt mỏi; hắt hơi; viêm họng; ho dai dẳng; khàn giọng; ớn lạnh hoặc rùng mình; sốt; chóng mặt; sương mù não; thay đổi khứu giác; đau mắt; đau cơ bất thường; chán ăn; mất khứu giác; đau tức ngực; sưng viêm các tuyến; cảm thấy suy sụp; triệu chứng khác.
Nghiên cứu được công bố trên Viện Y tế Quốc gia Mỹ do TS Jeyasakthy Saniasiaya, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Tuanku Ja'afar, Malaysia, và cộng sự thực hiện. Họ phân tích 14 bài báo, các dữ liệu đã có và đưa ra kết luận triệu chứng chóng mặt, váng đầu ở người nhiễm nCoV đang có xu hướng phổ biến hơn.
Một nghiên cứu do nhóm chuyên gia tại Trung Quốc công bố trên tạp chí JAMA Neurol trước đó cho thấy chóng mặt là biểu hiện thần kinh phổ biến nhất ở người mắc Covid-19. Họ kiểm tra các triệu chứng thần kinh ở 214 người nhập viện vì Covid-19 và phát hiện 16,8% trường hợp báo cáo về tình trạng bị chóng mặt. Triệu chứng này phổ biến hơn ở những ca bị bệnh nặng.
Chóng mặt có thể xảy ra sau khi nCoV xâm nhập hệ thống thần kinh. TS Ling Mao, khoa Thần kinh, Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung, Vũ Hán, Trung Quốc, và công sự nhận thấy virus xâm nhập vào mô thần kinh từ quá trình tuần hoàn. Sau đó, chúng liên kết với thụ thể của enzyme chuyển đổi angiotensin trong mô mao mạch.
Ngoài ra, tình trạng thiếu oxy, rối loạn đông máu cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chóng mặt của một số F0.
Một nghiên cứu khác do nhóm chuyên gia tại Italy thực hiện trên 185 người cho thấy 34 trường hợp (18,4%) bị chóng mặt, hoa mắt.
Những con số này phù hợp với một đánh giá của nhóm tác giả ở Malaysia. Trong 14 nghiên cứu họ tổng hợp, tổng cộng 141 bệnh nhân gặp phải tình trạng chóng mặt. Ba trường hợp (tương đương 2,13%) gặp phải nó ngay ở giai đoạn khởi phát bệnh. Hầu hết người gặp phải triệu chứng này đều đến từ Trung Quốc.
Đặc biệt, nhiều người đã khỏi Covid-19 nhưng vẫn bị chóng mặt dai dằng trong vài tuần đến vài tháng. Theo thống kê từ Viện Y tế Quốc gia, ước tính khoảng 10-35% F0 gặp phải hội chứng “Long Covid” với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Ngay cả người chỉ mắc bệnh nhẹ cũng phải sống chung với hội chứng này trong nhiều tháng.
F0 cần làm gì khi bị chóng mặt?
Chóng mặt vốn là triệu chứng không đặc hiệu khi mắc Covid-19 và giống các dấu hiệu khác, nó rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh thông thường. Theo TS Christine Greiss, Viện Phục hồi chức năng JFK Johnson, một số bệnh lý khác cũng có thể dẫn tới chóng mặt như viêm dây thần kinh tiền đình, viêm tai giữa cấp tính hoặc di chứng sau đột quỵ.
Ngoài chóng mặt, một số triệu chứng có thể nhận biết người mắc Covid-19 như sốt hoặc ớn lạnh, ho, khó thở, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, đau đầu, mất vị giác hoặc khứu giác, viêm họng, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, buồn nôn hoặc nôn mửa, tiêu chảy...
Các chuyên gia tại Malaysia nhấn mạnh chúng ta không nên coi nhẹ dấu hiệu chóng mặt ở người mắc Covid-19 vì nó đã được chứng minh là biểu hiện lâm sàng đáng chú ý.
Nếu gặp phải tình trạng này, F0 nên ngồi hoặc nằm xuống để giảm bớt triệu chứng. Hoa mắt, chóng mặt cũng dễ khiến nhiều người loạng choạng, vấp ngã, do đó, bạn cần di chuyển cẩn thận, chậm rãi, sử dụng gậy chống nếu cần thiết. Các F0 nên uống đủ nước, tránh hoạt động lái xe, vận động nặng.
Sau khi khỏi bệnh, F0 cần được nghỉ ngơi nhiều nhất có thể. Đây là điều rất quan trọng vì nó giúp chống lại nhiễm trùng. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi cả về cơ thể và tâm trí, hạn chế sử dụng tivi, điện thoại và mạng xã hội.
Các F0 cần ngủ đủ giấc, tránh thói quen ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ như uống trà, cà phê trước khi đi ngủ, tránh ăn khuya và sử dụng đồ điện tử trước khi đi ngủ. Hậu Covid-19, các bệnh nhân cần giữ thói quen ăn uống bình thường và đảm bảo đủ dinh dưỡng. Các bữa ăn nên tăng cường ăn hoa quả và rau xanh để cung cấp vitamin, khoáng chất cho cơ thể.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trieu-chung-can-duoc-luu-y-o-nguoi-mac-covid-19-post1290199.html