Triệu chứng của sốc nhiệt ngày hè
Cơ thể ra mồ hôi nhiều, sốt cao, da khô... là triệu chứng bạn đã bị sốc nhiệt cần hết sức chú ý.
Sốc nhiệt gây ra bởi cơ thể quá nóng, thường do tiếp xúc kéo dài hoặc gắng sức ở nhiệt độ cao. Phòng tránh sốc nhiệt do nắng nóng bao gồm uống đủ chất lỏng và tránh nhiệt độ quá cao.
Trong thời gian này, cả nước đang trải qua một đợt nắng nóng cao độ với nhiệt độ ngoài trời thường xuyên trên 40 độ C. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề do nóng như cháy nắng, chuột rút, ngất, say nắng... trong đó nguy hiểm nhất là sốc nhiệt.
Sốc nhiệt (hay say nắng, cảm nắng) là một loại bệnh nhiệt nghiêm trọng. Thông thường, trung khu điều nhiệt giữ nhiệt độ cơ thể luôn ở mức cân bằng, không thay đổi nhiều theo tác động của môi trường. Khi tiếp xúc với nắng nóng kéo dài, gắng sức khiến trung tâm điều nhiệt bị tổn thương hoặc không còn điều khiển nổi sự cân bằng đó thì nhiệt độ cơ thể sẽ tăng mạnh, gây rối loạn các chức năng trong cơ thể, nhất là hệ thần kinh, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.
Nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt là:
Người già, trẻ em, phụ nữ: Là những người có khả năng chịu đựng kém
Người mắc bệnh lý mạn tính như bệnh tim mạch, gan, ung thư,...
Những người lao động ngoài trời như công nhân, nông dân, vận động viên thể thao, bộ đội huấn luyện ngoài thao trường, nhân viên giao hàng,...
Các bệnh nhân đều có đặc điểm chung là lao động nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng, không nghỉ ngơi và bổ sung nước, điện giải đầy đủ.
Biến chứng thường gặp nhất ở những bệnh nhân sốc nhiệt cấp cứu muộn thường là co giật, tiêu cơ vân, suy thận, hôn mê kéo dài, tổn thương thần kinh và các cơ quan khác không hồi phục, thậm chí là tử vong.
Các triệu chứng của sốc nhiệt
Sốc nhiệt có thể khởi phát có thể đột ngột hoặc từ từ. Một số biểu hiện của sốc nhiệt là:
Ra mồ hôi nhiều, đau cơ, yếu cơ, chuột rút, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, choáng hoặc ngất.
Sốt cao trên 39 - 40 độ C.
Da khô, nóng.
Rối loạn ý thức như mê sảng, co giật, hôn mê. Đây là tình trạng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng, cần được xử trí tại chỗ ngay rồi đưa đi cấp cứu.
"Thời điểm vàng" cấp cứu say nắng, say nóng
Theo SKĐS, qua tình trạng của một số bệnh nhân bị sốc nhiệt do say nắng, chuyên gia khuyến cáo: Người dân đặc biệt là người cao tuổi, trẻ nhỏ những người có bệnh lý nền, bệnh mạn tính. Cần thực hiện các biện pháp để phòng tránh sốc nhiệt như hạn chế ra ngoài vào lúc nắng nóng cao điểm.
Nếu bắt buộc phải làm việc dưới trời nắng nóng cần chia nhỏ thời gian làm và nghỉ ngơi xen kẽ; khi đi ra đường phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng; uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh và hoa quả; bổ sung đồ uống giàu chất điện giải; bôi kem chống nắng và tăng cường rèn luyện sức khỏe.
Cơ thể con người có cơ chế điều hòa thân nhiệt cân bằng, quanh mức 37 độ C. Nếu cơ thể ở trong thời tiết nắng nóng kéo dài, trên 41 độ C, chức năng của các cơ quan quan trọng như não, tim, phổi, thận và đặc biệt khi nhiệt độ tăng quá cao, các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể sẽ rối loạn nghiêm trọng dẫn đến hôn mê, co giật.
Các đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt là những người lao động ngoài trời nắng nóng với cường độ liên tục. Nếu sốc nhiệt xảy ra với người có bệnh lý mạn tính, người già, trẻ nhỏ thì diễn biến nặng và khả năng phục hồi sẽ khó khăn hơn.
Trong khoảng thời gian 1 giờ sau khi bị say nắng, say nóng ở mức độ nặng được gọi là “thời điểm vàng” để cấp cứu, bởi nếu cấp cứu ngay trong khoảng thời gian này thì hiệu quả gần như đạt 100%.
Ngược lại, nếu chậm cấp cứu, chậm làm mát cho bệnh nhân trong vòng 3 giờ sau khi bị đột quỵ não do nóng thì tỉ lệ tử vong sẽ rất cao.