Triệu chứng 'giả cúm' của bệnh đậu mùa khỉ

Khi mắc đậu mùa khỉ, trong 1 - 3 ngày đầu, người bệnh sẽ có triệu chứng sốt, đau mỏi cơ, mệt mỏi, chán ăn. Sau ngày thứ 3 hoặc lâu hơn, bệnh nhân sẽ phát ban trên cơ thể.

Người mắc đậu mùa khỉ sẽ phát ban sau 3 ngày đầu của bệnh. Ảnh minh họa.

Người mắc đậu mùa khỉ sẽ phát ban sau 3 ngày đầu của bệnh. Ảnh minh họa.

Các nốt phát ban thường xuất hiện ở mặt, sau đó là toàn thân, tay, chân. Những triệu chứng này được gọi là “giả cúm”, khiến khó nhận diện bệnh.

Tỷ lệ tử vong có thể cao hơn thực tế

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với hầu hết trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng y khoa và thậm chí là tử vong. Trẻ sơ sinh, trẻ em và người có bệnh nền suy giảm miễn dịch có nguy cơ gặp triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.

Biến chứng ở các ca bệnh đậu mùa khỉ nặng gồm: Nhiễm trùng da, viêm phổi, lú lẫn, nhiễm trùng mắt có thể dẫn đến mất thị giác. Có khoảng 3 - 6% ca được báo cáo tử vong ở các nước có bệnh đậu mùa khỉ lưu hành trong thời gian gần đây, thường ở trẻ em hay người có bệnh lý khác. Điều quan trọng cần chú ý là tỷ lệ tử vong này có thể cao hơn thực tế. Bởi, theo WHO, hoạt động giám sát ở các nước lưu hành bệnh còn hạn chế.

“Bất cứ ai tiếp xúc gần với người có triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ, hoặc động vật nhiễm bệnh đều có nguy cơ cao. Người đã tiêm vắc-xin ngừa đậu mùa có nhiều khả năng được bảo vệ ở mức độ nhất định trong phòng ngừa đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, người trẻ tuổi ít có khả năng đã tiêm phòng bệnh đậu mùa”, WHO nhận định.

Ngay cả khi người đã được tiêm phòng đậu mùa cũng sẽ được bảo vệ ở mức độ nhất định đối với đậu mùa khỉ. Những người này vẫn cần thực hiện các biện pháp đề phòng để bảo vệ bản thân và người khác.

Theo bác sĩ Ngô Thanh Hà - Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đậu mùa khỉ là bệnh do virus gây nên. Với người nhiễm bệnh, trong 1 - 3 ngày đầu sẽ có triệu chứng sốt, đau mỏi cơ, mệt mỏi, chán ăn.

Sau ngày thứ 3 hoặc lâu hơn, người bệnh sẽ phát ban trên cơ thể. Các nốt phát ban thường xuất hiện ở mặt, sau đó là toàn thân, tay, chân. Theo bác sĩ Hà, các triệu chứng này được gọi là “giả cúm”, khiến bệnh khó nhận diện.

“Chúng ta cần dựa vào yếu tố dịch tễ, như người đó có đi về từ vùng dịch hoặc tiếp xúc với người đã mắc bệnh... Từ đó, xác định có mắc đậu mùa khỉ hay không”, chuyên gia cho biết.

Song, theo bác sĩ Hà, bệnh đậu mùa khỉ khó có thể bùng phát thành đại dịch. Bởi, đại dịch bùng phát thì khả năng lây lan phải rất lớn. Tuy nhiên, tốc độ lây lan của đậu mùa khỉ không nhiều.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kình - Cố vấn cao cấp Đơn vị Gen trị liệu, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh đậu mùa khỉ không mới và chủ yếu xuất hiện ở châu Phi. Tuy nhiên, đây là đợt bùng phát lớn nhất bên ngoài châu Phi.

Thông thường, bệnh tự khỏi sau 2 - 4 tuần. Hiện, có một số liệu pháp điều trị được phát triển hoặc chờ phê duyệt áp dụng trong lâm sàng. Song, PGS Kình cho biết, chưa có liệu pháp điều trị nào được chứng minh là hữu hiệu.

Nguy cơ với cộng đồng thấp

Để chủ động giám sát các ca bệnh đậu mùa khỉ và kịp thời triển khai biện pháp phòng chống dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cả nước về việc tăng cường giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

Sau đó, Cục Y tế dự phòng đã gửi công văn đến các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur; Sở Y tế các tỉnh, thành phố. Qua đó, hướng dẫn một số nội dung cụ thể để giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

WHO cho biết, trẻ sơ sinh, trẻ em và người có bệnh nền là suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ. Cán bộ y tế cũng có nguy cơ cao do phơi nhiễm virus trong thời gian dài hơn.

Bệnh đậu mùa khỉ thông thường không được coi là có tính truyền nhiễm cao. Bởi, phải có tiếp xúc vật lý gần với người có nguy cơ (ví dụ, tiếp xúc da) để gây truyền bệnh giữa người với người. Vì vậy, nguy cơ đối với toàn cộng đồng là thấp.

WHO cho biết đang ứng phó với dịch bệnh này với mức độ ưu tiên cao nhằm tránh tiếp tục lây lan.

“Trong nhiều năm nay, WHO đã coi bệnh đậu mùa khỉ là một mầm bệnh quan trọng.

Các ca bệnh mà chúng ta hiện chứng kiến không mang tính điển hình của dịch bệnh đậu mùa khỉ vì không có báo cáo về lịch sử di chuyển từ các nước lưu hành bệnh, hay động vật được xuất khẩu từ các nước lưu hành bệnh.

Việc xác định cách thức lây truyền của virus và cách bảo vệ được nhiều người hơn tránh bị lây nhiễm là một ưu tiên đối với WHO. Nâng cao nhận thức về tình hình mới này sẽ giúp ngăn chặn sự tiếp tục lây truyền của bệnh”, WHO khuyến cáo.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/trieu-chung-gia-cum-cua-benh-dau-mua-khi-BjXryarng.html