Triệu chứng nhiễm Omicron gây tác động khác nhau ở nam giới và nữ giới

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 2/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

* Phát hiện mới về tỉ lệ trẻ sơ sinh nhiễm bệnh từ người mẹ mắc COVID-19

Theo một nghiên cứu mới công bố mới đây, một triệu chứng chung khi nhiễm biến thế Omicron của virus SARS-CoV-2 gây tác động khác nhau đối với nam giới và nữ giới.

Nghiên cứu từ Web MD - trang web chuyên về thông tin y tế và khoa học - cho thấy 40% phụ nữ có triệu chứng mệt mỏi khi nhiễm biến thể Omicron, trong khi tỉ lệ này ở nam giới chỉ là 33%. Những người nhiễm Omicron cho biết họ có triệu chứng nhẹ.

Có 5 triệu chứng rõ rệt khi nhiễm Omicron là ngứa rát họng, ho khan, mệt mỏi, đau cơ nhẹ và đổ mồ hôi ban đêm.

Theo chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm, tiến sĩ Sachin Nagrani, mệt mọi là triệu chứng cấp tính và có thể là dấu hiệu ban đầu của COVID-19, song cũng có thể là do nguyên nhân khác. Tiến sĩ Nagrani nhấn mạnh nhiều trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng nào và đây cũng là nguyên nhân khiến dịch lan mạnh.

Nghiên cứu trên được công bố trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo về sự lây lan của một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, có tên gọi "Deltacron".

Deltacron là biến thể lai giữa hai biến thể Delta và Omicron, được giới khoa học gọi là virus tái tổ hợp AY.4/BA.1.

Đã có một số ít trường hợp nhiễm Deltacron được ghi nhận tại các nước châu Âu như Pháp, Đan Mạch, Đức và Hà Lan.

Trong khi đó, tờ The New York Times đưa tin Mỹ mới đây cũng đã ghi nhận 2 trường hợp nhiễm Deltacron. Các nhà khoa học cho biết biến thể này "cực kỳ hiếm" và không phải là "biến thể đáng lo ngại" (VOC) theo phân loại của WHO.

Theo nghiên cứu toàn diện ngày 16/3, dưới 2% trẻ nhỏ có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi được sinh ra từ các sản phụ mắc COVID-19.

Phát hiện được công bố trên tạp chí Y khoa Anh (British Medical Journal – BMJ) trên cơ sở tổng hợp và phân tích gần 500 nghiên cứu trước đây liên quan tới khoảng 29.000 bà mẹ.

Theo Giáo sư Shakila Thangaratinam tại Đại học Birmingham (Anh) - Trưởng nhóm nghiên cứu - và Trung tâm hợp tác vì sức khỏe phụ nữ toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đây là nghiên cứu toàn diện nhất từ trước đến nay, qua đó cung cấp cái nhìn sâu rộng nhất về nguy cơ lây truyền virus SARS-CoV-2 từ mẹ sang con trong thai kỳ.

Trong số 592 trẻ sơ sinh có đầy đủ dữ liệu về cách thức và thời điểm các bé mắc COVID-19, chỉ ghi nhận 7 trẻ nhiễm căn bệnh này khi còn trong bụng mẹ và 2 trẻ mắc bệnh khi chào đời.

Giáo sư Thangaratinam nhấn mạnh công trình nghiên cứu của bà và các cộng sự tạo sự an tâm cho các bậc cha mẹ và những người sắp làm cha mẹ khi thấy rằng chưa đầy 1% trẻ sơ sinh có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 48 giờ đầu tiên sau khi chào đời.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ nào giữa việc trẻ sơ sinh dương tính với SARS-CoV-2 và việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Các bằng chứng hiện nay không khuyến khích các biện pháp như mổ lấy thai, tách con khỏi mẹ ngay sau khi sinh hoặc cho trẻ bú sữa công thức để tránh mắc COVID-19.

Tuy nhiên, Giáo sư Thangaratinam nêu rõ kết quả tổng hợp cho thấy trẻ sơ sinh nhiều khả năng nhiễm SARS-CoV-2 ở mức độ nặng trong trường hợp người mẹ phải điều trị tích cực (ICU) hoặc tử vong do COVID-19.

Ngoài ra, trẻ sơ sinh có nhiều khả năng nhiễm bệnh sau khi chào đời, do đó các sản phụ và nhân viên y tế cần duy trì đeo khẩu trang, cũng như thực hiện các biện pháp khử khuẩn, đảm bảo vệ sinh và hạn chế để trẻ tiếp xúc với nhiều người.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/272097/trieu-chung-nhiem-omicron-gay-tac-dong-khac-nhau-o-nam-gioi-va-nu-gioi.html