Triệu chứng sớm của suy thận mạn tính và cách chăm sóc cần biết

Suy thận mạn là hậu quả cuối cùng của bệnh thận - tiết niệu mạn tính làm chức năng thận suy giảm dần. Bệnh suy thận mạn ảnh hướng đến sức khỏe người bệnh, là gánh nặng lớn đối với y tế và xã hội.

Nguyên nhân suy thận mạn tính

Nguyên nhân chính của suy thận mạn là bệnh tiểu đường, bệnh tăng huyết áp và bệnh cầu thận chiếm hơn 70% các nguyên nhân gây suy thận.

Các nguyên nhân khác gây suy thận bao gồm: Bệnh nang thận, bất thường đường tiết niệu bẩm sinh, các bệnh miễn dịch hệ thống: lupus ban đỏ hệ thống, bệnh thận IgA…, sỏi hệ niệu, u xơ tiền liệt tuyến, nhiễm trùng tiểu tái phát nhiều lần.

Suy thận mạn gây ảnh hướng lớn đến sức khỏe người bệnh, là gánh nặng đối với y tế và xã hội.

Biểu hiện suy thận mạn tính

Các bệnh nhân suy thận nhẹ không có triệu chứng. Ngay cả những bệnh nhân suy thận nhẹ đến trung bình cũng có thể không có triệu chứng mặc dù nitơ urê máu (BUN) và creatinine tăng cao.

Mất ngủ, đi tiểu đêm là biểu hiện của suy thận mạn.

Mất ngủ, đi tiểu đêm là biểu hiện của suy thận mạn.

Các triệu chứng sớm suy thận mạn tính thường gặp:

- Tiểu đêm thường xuất hiện, chủ yếu do giảm khả năng cô đặc nước tiểu.

- Người uể oải, mệt mỏi, chán ăn và suy giảm tâm thần thường là những biểu hiện sớm nhất của tăng ure máu.

Khi bệnh diễn tiến đến giai đoạn nặng thì các triệu chứng của hội chứng urê huyết cao biểu hiện đầy đủ hơn:

- Biểu hiện về thần kinh như: rối loạn giấc ngủ, nhức đầu, giảm nhận thức, lơ mơ, ngủ gà, hôn mê, run rẩy, động kinh, kích thích cơ. Hội chứng chân không yên, máy cơ, vọp bẻ.

- Biểu hiện về tiêu hóa như: ói, mệt, chán ăn, buồn nôn, hơi thở khai, viêm dạ dày, viêm ruột, xuất huyết tiêu hóa.

- Biểu hiện về tim mạch như: tăng huyết áp, suy tim, phù phổi cấp, viêm màng ngoài tim, chèn ép tim cấp, là các biểu hiện nặng và nguy hiểm cần phải nhập viện điều trị.

- Biểu hiện huyết học: thiếu máu, rối loạn đông máu, giảm bạch cầu.

- Biểu hiện rối loạn cân bằng nước - điện giải, rối loạn cân bằng toan kiềm.

- Biểu hiện về da – xương - khớp như: da tăng sắc tố, ngứa, bầm máu, phấn ure, rối loạn dị trưởng xương: Đau xương, gẫy xương bệnh lý, còi xương.

Để chẩn đoán chính xác, ngoài những biểu hiện ra các bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm cần thực hiện để kiểm tra bệnh thận như:

Tổng phân tích nước tiểu, cặn Addis đạm niệu, creatinine niệu 24 giờ.
Các xét nghiệm đánh giá chức năng thận: ure, creatinine, điện giải đồ.
Các chẩn đoán hình ảnh: siêu âm, X-quang hệ niệu không cản quang KUB, X-quang hệ niệu có cản quang, CT-Scaner, sinh thiết thận.

Chăm sóc người bệnh suy thận mạn tính

Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ người bệnh suy thận mạn cần có chế độ ăn phù hợp giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân, qua đó nâng cao hiệu quả của các biện pháp điều trị, giúp bệnh nhân có tiên lượng bệnh tốt hơn.

Người bệnh suy thận không nên ăn thực phẩm đóng hộp.

Người bệnh suy thận không nên ăn thực phẩm đóng hộp.

Người bệnh cần lưu ý nguyên tắc dinh dưỡng chung như sau:

- Ăn đủ năng lượng, hạn chế protein để giảm bớt quá trình giáng hóa protein trong cơ thể, đủ protein tối thiểu cần thiết, đặc biệt là các acid amin thiết yếu.

- Ăn đủ vitamin và các yếu tố vi lượng.

- Đảm bảo cân bằng nước, muối, ít toan và ít phosphat.

Các thực phẩm cho bệnh nhân suy thận mạn cần lựa chọn như sau:

Người bệnh không nên ăn những thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối: cá khô, cá muối, thịt muối, cà muối, da muối, giò, chả, patê, xúc xích, thịt hộp, cá hộp... Nếu muốn ăn các thực phẩm kể trên, cần kiểm tra lượng muối có trong thực phẩm và được tính toán cụ thể.

- Không nên ăn nhiều các thực phẩm nguồn gốc thực vật có nhiều đạm như đậu đỗ vừng, lạc, giá đỗ...

- Không nên thêm nhiều muối (nước mắm, gia vị, mì chính, muối...) vào khi chế biến và nấu món ăn.

- Không nên uống các loại lá, rễ cây, thuốc gây quá tải cho thận.

Người bệnh nên uống đủ nước vào cơ thể hạn chế theo mức độ đào thải của thận, lượng nước đưa vào cơ thể: thông thường bằng lượng nước tiểu ngày hôm trước + 500 ml nước.

Cần ăn nhạt, khi có phù hoặc cao huyết áp, lượng muối hàng ngày thay đổi tùy theo tình trạng bệnh. Chỉ nên ăn tối đa 3g/ngày tương đương với 15 ml nước mắm (trong trường hợp không theo thực đơn cụ thể).

Nên chọn các ngũ cốc có lượng đạm thấp như miến, khoai củ, bột sắn. Nên ăn gạo, mì tối đa 200g/ngày từ theo mức độ suy thận. Khi suy thận càng nặng thì lượng gạo, mì càng ít hơn.

Nên chọn các loại rau có hàm lượng đạm thấp dưa chuột, bầu, bí, rau cải... Nên ăn có mức độ các thực phẩm giàu đạm nguồn gốc động vật tùy theo mức độ suy thận.

BSCK2 Nguyễn Thị Ngọc Bích

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/trieu-chung-som-cua-suy-than-man-tinh-va-cach-cham-soc-can-biet-169231024202403804.htm