Triệu chứng và cách phân biệt người nhiễm biến chủng nCoV mới

Triệu chứng nhiễm biến chủng nCoV mới thường tập trung vào ho dai dẳng, sốt, ít gặp phải tình trạng mất khứu giác, vị giác.

Biến chủng B117 đã lan ra hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ khi được phát hiện lần đầu vào tháng 9 tại thị trấn Kent, Anh, giới chuyên gia đã thực hiện nhiều nghiên cứu để giải mã biến chủng này. Trong đó, triệu chứng ở người nhiễm biến chủng virus mới là điều được nhiều chuyên gia quan tâm.

Triệu chứng ở người nhiễm chủng B117 khác gì với chủng cũ?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các triệu chứng chính ở bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 thường bao gồm: Ho khan, sốt cao, mệt mỏi/hôn mê, khó thở, mất khứu giác và vị giác.

Một số bệnh nhân có thể bị “đau nhức, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau họng hoặc tiêu chảy", WHO bổ sung thêm. Cũng theo khuyến cáo của WHO, các triệu chứng này thường nhẹ và diễn biến nặng dần. Một số người nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không biểu hiện triệu chứng lâm sàng.

Từ tháng 5/2020, tài liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), Dịch vụ Y tế Anh (NHS) đã thêm mất khứu giác, vị giác vào một trong 4 triệu chứng nhiễm nCoV điển hình.

 Người nhiễm biến chủng B117 từ Anh bị ho dai dẳng, sốt và đau họng, đau cơ. Ảnh: Freepik.

Người nhiễm biến chủng B117 từ Anh bị ho dai dẳng, sốt và đau họng, đau cơ. Ảnh: Freepik.

Với biến chủng virus mới B117, một cuộc khảo sát tại Anh cho thấy số lượng triệu chứng không nhiều hơn nhưng có sự khác nhau giữa tỷ lệ. Cuộc khảo sát do Đại học Oxford, Đại học Manchester, Dịch vụ Y tế Công cộng Anh và Wellcome Trust thực hiện trên các bệnh nhân ở Mỹ.

Sự khác biệt lớn nhất về triệu chứng giữa biến chủng mới và cũ là ho, đau họng, mệt mỏi, đau cơ thường xuyên hơn. Ngoài ra, những người nhiễm biến chủng nCoV mới ít báo cáo về tình trạng mất khứu giác, vị giác.

Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Văn phòng Thống kê Quốc gia ở Anh cho thấy những người nhiễm biến chủng B117 bị ho dai dẳng, mệt mỏi, đau cơ, đau họng và sốt nhiều hơn trường hợp nhiễm chủng cũ.

Cụ thể, trong số những người nhiễm biến chủng mới, 35% bị ho, 32% gặp tình trạng mệt mỏi, 25% bị đau nhức cơ và 21,8% đau họng. Những người nhiễm biến chủng nCoV cũ báo cáo tình trạng ho (28%), mệt mỏi (29%), đau nhức cơ (21%) và đau họng (19%).

Nhóm chuyên gia tại London, đại diện là ông Alex Sohal, cảnh báo hầu như mọi người không nhận thức được các triệu chứng nhẹ có thể là dấu hiệu mắc Covid-19. Do đó, ông đề xuất chính phủ Anh thay đổi định nghĩa và cập nhật các triệu chứng cho phù hợp biến chủng mới.

 Triệu chứng nhiễm nCov thường bị nhầm lẫn với cảm, cúm, dị ứng thời tiết. Ảnh: Freepik.

Triệu chứng nhiễm nCov thường bị nhầm lẫn với cảm, cúm, dị ứng thời tiết. Ảnh: Freepik.

Phân biệt Covid-19 và các bệnh lý dễ nhầm lẫn khác

Triệu chứng của người nhiễm nCoV thường khá tương đồng với bệnh cảm lạnh, cúm và dị ứng theo mùa, dị ứng thời tiết. Theo thông tin từ Mayo Clinic, chúng ta có thể phân biệt một người có mắc Covid-19 hay không dựa trên những triệu chứng sau đây:

Các chuyên gia cũng cảnh báo dấu hiệu và triệu chứng mắc Covid-19 có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc F0, nguồn lây virus. Tình trạng bệnh có thể từ nhẹ đến nặng. Do đó, bác sĩ khuyến cáo nếu có triệu chứng ho, sốt bất thường, nhất là từng tiếp xúc F0, trở về từ vùng dịch, cần liên hệ ngay với cơ quan y tế để được hướng dẫn và trợ giúp.

Tính từ ngày 27/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 800 người mắc Covid-19 trong cộng đồng tại 13 tỉnh, thành. Trong đó, qua kết quả giải trình tự gene, các bệnh nhân ở nước ta đã mắc nhiều biến chủng như B117 (Anh) và A.23.1 từ Rwanda. Bên cạnh đó, một chuyên gia từ Nam Phi nhập cảnh vào Việt Nam nhiễm biến chủng B1351 (Nam Phi).

Để phòng bệnh, chúng ta cần tuân thủ quy định 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) của Bộ Y tế.

Tuyến bài "Tư vấn phòng Covid-19 chủng virus mới" sẽ cung cấp nghiên cứu mới của các nhà khoa học trên thế giới và thông tin từ chuyên gia, bác sĩ trong nước để giúp người dân có biện pháp phòng bệnh an toàn.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trieu-chung-va-cach-phan-biet-nguoi-nhiem-bien-chung-ncov-moi-post1186236.html