Triều cường gây ngập nặng tại TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ
Từ chiều tối 29-9, một số khu vực giáp sông, địa hình thấp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bị ngập sâu trong nước do triều cường lên cao, vượt mức báo động 3. Tuyến đường Lương Ðịnh Của, khu vực trước Nhà văn hóa Thiếu nhi quận 2, ngập khá sâu khoảng 0,3 đến 0,5 m; tương tự là khu vực phường Thảo Ðiền, phía giáp sông Sài Gòn, đường Quốc Hương, đường Xuân Thủy...
Từ chiều tối 29-9, một số khu vực giáp sông, địa hình thấp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bị ngập sâu trong nước do triều cường lên cao, vượt mức báo động 3. Tuyến đường Lương Ðịnh Của, khu vực trước Nhà văn hóa Thiếu nhi quận 2, ngập khá sâu khoảng 0,3 đến 0,5 m; tương tự là khu vực phường Thảo Ðiền, phía giáp sông Sài Gòn, đường Quốc Hương, đường Xuân Thủy...
Ngập nặng nhất là một số khu vực có vị trí thấp thuộc quận 7, huyện Nhà Bè, tiếp giáp sông Soài Rạp và nhiều tuyến kênh. Trên đường Trần Xuân Soạn, nước ngập sâu 0,5 m, giao thông đi lại khó khăn. Nhiều tuyến hẻm nước ngập vào tận cửa, người dân vất vả che chắn, tát nước...
Chiều 29-9, triều cường tiếp tục dâng cao khiến khu vực nội thành TP Cần Thơ bị ngập nặng, đúng vào giờ tan tầm khiến việc di chuyển của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Từ khoảng 16 giờ cùng ngày, tại khu vực cầu Rạch Ngỗng 2 trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Ninh Kiều), nước ngập sâu khoảng 0,5 m và chảy xiết. Ô-tô, xe máy rất khó khăn để đi qua khu vực này. Tương tự, tại đường Mậu Thân, nước từ các kênh, rạch và cống dâng cao ngập toàn bộ mặt đường, tràn vào nhà dân. Nhiều cửa hàng dừng buôn bán, chờ nước rút. Một số nhà dân phải chạy máy bơm hút nước ra ngoài. Tại khu vực Cồn Khương, phường Cái Khế (quận Ninh Kiều), nước từ sông Hậu dâng cao, tràn qua đê bao gây ngập phía bên trong. Nhiều nhà cửa, vườn cây, hàng quán của người dân chìm trong nước.
UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các sở, ngành, địa phương theo dõi diễn biến xâm nhập mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện kế hoạch lấy nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt; lắp đặt trạm bơm dã chiến, vận hành hệ thống thủy lợi lấy và trữ nước ngọt sử dụng khi nguồn nước thiếu hụt, xâm nhập mặn lên cao. UBND tỉnh Phú Yên vừa yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống thiên tai những tháng cuối năm 2019; tiếp tục rà soát, chỉ đạo việc lồng ghép phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; kiểm tra, rà soát, cập nhật, bổ sung những vùng nguy hiểm, xung yếu, vùng trũng thấp có kế hoạch di dời, sơ tán bảo đảm an toàn cho nhân dân...
Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai cho biết, do mực nước sông Cửu Long sẽ lên theo triều và đạt đỉnh lũ năm vào ngày 1 và 2-10, vì vậy TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục theo dõi lũ, triều cường đề phòng ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao.
Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, mực nước sông đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm; tại các trạm hạ lưu lên trên báo động 3 từ 0,1 đến 0,3 m, sau đó xuống. Ðến ngày 10-10, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu xuống mức 3,0 m; trên sông Hậu tại trạm Châu Ðốc xuống mức 2,8 m. Trong những ngày tới, nguy cơ xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, ven sông, ngoài đê bao và sạt lở bờ sông tại các tỉnh An Giang, Ðồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ.
Tập trung chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng
Tổng cục Thống kê cho biết, diện tích rừng trồng tập trung trong chín tháng ước đạt 176,5 nghìn héc-ta; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 60,7 triệu cây; sản lượng gỗ khai thác đạt 11.413 nghìn mét khối; sản lượng củi khai thác đạt 14 triệu ste. Bên cạnh đó, diện tích rừng bị thiệt hại trong 9 tháng là hơn 3 nghìn héc-ta, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm 2018, trong đó diện tích rừng bị cháy là 2.641 héc-ta, diện tích rừng bị chặt, phá là 418 ha.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Cao Bằng trồng được hơn 305 ha rừng, trong đó 196 ha rừng sản xuất của dự án bảo vệ và phát triển rừng, trồng rừng sau khai thác và trồng rừng thay thế là 109 ha. Ngoài ra, việc chi trả dịch vụ môi trường cho các chủ rừng nằm trong lưu vực nhà máy thủy điện đạt hơn 16 tỷ đồng.
Trong chín tháng, tỉnh Quảng Trị trồng mới 2.660 ha rừng; trồng 890 nghìn cây phân tán, duy trì tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 50,1%, sản lượng gỗ khai thác là gần 820 nghìn mét khối, khai thác nhựa thông 600 tấn. Tại Quảng Ngãi, từ đầu năm đến nay đã trồng mới rừng tập trung với diện tích 6.880 ha, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt 905 nghìn mét khối. Tỉnh đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến hơn bảy nghìn chủ rừng, tổ chức ký cam kết bảo vệ, phòng, chống cháy rừng tới 9.164 hộ gia đình và cá nhân.
Hiện nay, các ban quản lý, công ty lâm nghiệp ở tỉnh Kon Tum đã khoán bảo vệ rừng cho 13 tổ chức, 335 cộng đồng, 234 nhóm hộ và 2.589 hộ gia đình, trung bình đạt 201.211ha/năm; hỗ trợ bảo vệ rừng cho 11 cộng đồng với 7.935,4 ha. Việc giao khoán cho cộng đồng cùng tham gia bảo vệ góp phần nâng cao đời sống, tăng thu nhập.
Tỉnh Tây Ninh đang thực hiện đề án chuyển giao hơn 10.000 ha rừng và đất rừng sản xuất về UBND các huyện quản lý nhằm thực hiện chủ trương giao, cho thuê rừng sản xuất đến tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích phát triển lâm nghiệp; phát triển du lịch sinh thái, trồng cây dưới tán rừng, mở rộng diện tích dược liệu. Hiện toàn tỉnh có hơn 72 nghìn héc-ta rừng, trong đó rừng đặc dụng 31.650 ha, rừng phòng hộ 30.174 ha, rừng sản xuất hơn 10 nghìn héc-ta.
Theo Cục Kiểm lâm, hiện nay do nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh cho nên ở các huyện Tủa Chùa, Mường Lay (Điện Biên); Sơn Động (Bắc Giang); Gia Viễn, Nho Quan, Tam Điệp (Ninh Bình) và một số địa phương ở Nghệ An có nguy cơ cháy rừng ở cấp 4, cấp rất nguy hiểm. Cục Kiểm lâm đề nghị các địa phương và chủ rừng thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.