Triều cường liên tục uy hiếp cư dân ven biển

Nhiều nhà dân ở thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn bị triều cường uy hiếp. Ảnh: ANH NGỌC

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng triều cường và các đợt không khí lạnh tăng cường kết hợp gió mùa đông bắc hoạt động mạnh, nhiều đợt sóng biển cao từ 4-5m, với cường độ mạnh đã khiến một số khu vực ven biển trên địa bàn tỉnh bị xói lở, xâm thực sâu vào đất liền.

Nhiều địa phương bị triều cường xâm thực

Từ năm 2010 đến nay, tình trạng sạt lở khu vực ven biển, ven sông trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp; tốc độ xâm thực ngày càng nghiêm trọng, bình quân từ 10-20m/năm. Hiện có 19 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài khoảng 40km, trong đó có 14 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài khoảng 25km.

Tại làng biển Mỹ Quang Nam, xã An Chấn (huyện Tuy An), triều cường xâm thực vào nhà dân nằm dọc bờ biển với chiều dài hơn 1km, tác động đến hàng trăm hộ dân, trong đó có hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Ông Nguyễn Minh Thị ở thôn Mỹ Quang Nam cho biết: Từ ngày 27/12/2020 đến nay, tại khu vực thôn Mỹ Quang Nam xuất hiện nhiều đợt triều cường, sóng biển cao 4-5m liên tiếp đánh vào khu dân cư, gây sạt lở nhiều nhà dân ở đây. Riêng gia đình tôi, sóng biển tràn vào nhà, gây sạt lở một góc nhà. Lúc xảy ra triều cường, tôi phải đưa vợ con đến nhà người quen lánh nạn. Trước đây, khu vực này được Nhà nước đầu tư làm kè tạm, đổ đá tảng lớn cao hơn mặt nước biển 4-5m. Nhưng sau đợt triều cường vừa rồi, sóng đã cuốn đất, đá xuống biển, hiện bờ kè tạm này chỉ cao hơn mặt nước biển khoảng 1m… Còn theo ông Trần Khả Trọng (76 tuổi) ở thôn Mỹ Quang Nam, khu vực này trước đây bờ biển nằm cách xa khu dân cư khoảng 50-70m. Qua nhiều năm bị triều cường xâm thực, Nhà nước đã đầu tư làm kè tạm, nhưng bây giờ kè này cũng bị sóng biển cuốn trôi. “Tôi sinh ra và lớn lên ở làng biển này và chưa bao giờ thấy đợt triều cường nào lớn và xâm thực nặng như đợt vừa rồi”, ông Trọng nói.

Trong đợt triều cường này, tại các làng biển thuộc các thôn Nhơn Hội, Hội Sơn, xã An Hòa Hải (huyện Tuy An) cũng bị xâm thực nặng. “Riêng ở thôn Nhơn Hội, triều cường đã gây sạt lở với chiều dài hơn 1km, xâm thực vào đất liền từ 2-3m, có vị trí bị nặng xâm thực từ 5-7m. Khu vực bị triều cường xâm thực tạo thành một vực thẳm cao 8-10m, gần khu dân cư. Cả thôn Nhơn Hội có hơn 20 hộ dân phải dỡ nhà đến nơi khác sinh sống”, ông Trương Tấn Lai, Trưởng thôn Nhơn Hội cho biết.

Theo UBND huyện Tuy An, từ giữa tháng 12/2020 đến nay, nhiều khu dân cư ven biển trên địa bàn huyện bị triều cường xâm thực, trong đó nặng nhất là tại thôn Mỹ Quang Nam (xã An Chấn) và thôn Nhơn Hội (xã An Hòa Hải). Tại hai thôn này có khoảng 50 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, nhiều nhà dân bị sóng biển đánh sập tường rào, khoét móng nền nhà làm sập một phần ngôi nhà. Một số hộ chằng, néo tàu thuyền không chắc chắn cũng bị sóng cuốn trôi, nhấn chìm. Ngay khi xảy ra triều cường, địa phương đã cử lực lượng cùng bộ đội biên phòng xuống giúp dân khắc phục sạt lở. Đến nay, tình hình sạt lở đã tạm ổn, tuy nhiên về lâu dài, các khu vực này cần đầu tư xây kè kiên cố nhằm bảo vệ các khu dân cư bên trong.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Từ năm 2010 đến nay, tình trạng sạt lở khu vực ven biển, ven sông trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp. Tốc độ xâm thực ngày càng nghiêm trọng, bình quân từ 10-20m/năm, có nơi như thôn Hòa An, xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu), thôn Long Thủy, xã An Phú (TP Tuy Hòa)… bị xâm thực từ 25-35m/năm, xói lở đã làm mất hàng chục đến hàng trăm hécta đất ven sông, ven biển.

Theo thống kê của các địa phương, hiện trên địa bàn tỉnh có 19 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài khoảng 40km, trong đó có 14 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài khoảng 25km. Để chủ động phòng chống sạt lở, bảo vệ khu dân cư, cơ sở hạ tầng, trong những năm gần đây, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh đã xây dựng nhiều kè biển, kè sông.

Theo Ban quản lý Các dự án đầu tư và xây dựng tỉnh, UBND tỉnh đã phê duyệt đầu tư xây dựng hai công trình kè biển ở thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn và xã An Hòa Hải. Theo đó, kè biển thôn Mỹ Quang Nam dài khoảng 215m và xây dựng tuyến đường kết nối dài hơn 147m, tổng mức đầu tư gần 22 tỉ đồng. Kè biển xã An Hòa Hải dài khoảng 1km và xây dựng tuyến đường kết nối dài hơn 296m, tổng vốn đầu tư khoảng 80 tỉ đồng.

Ông Đặng Khoa Đãm, Giám đốc Ban quản lý Các dự án đầu tư và xây dựng tỉnh, cho biết: Cả hai công trình kè biển này đều hoàn thành các thủ tục đầu tư và thời gian xây dựng từ năm 2020-2021. Ban quản lý Các dự án đầu tư và xây dựng tỉnh đang tiến hành các bước chuẩn bị thi công. Dự kiến trong tháng 3/2021 tổ chức thi công và trong năm 2021 sẽ hoàn thành các công trình này.

Theo đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, tỉnh đã phê duyệt đầu tư xây dựng hai công trình xử lý khẩn cấp sạt lở khu vực bờ biển thuộc xã An Chấn và An Hòa Hải nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển ăn sâu vào đất liền để bảo vệ nhà cửa, tính mạng, tài sản của nhân dân và hạ tầng cơ sở trong khu vực; góp phần ổn định đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Việc xây dựng các kè này còn làm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai bão lũ, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển; tạo hành lang giao thông và môi trường cảnh quan ven biển phục vụ tốt cho công tác quản lý, cứu hộ khi có gió bão và phục vụ dân sinh sống ven biển...

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/251028/trieu-cuong-lien-tuc-uy-hiep-cu-dan-ven-bien.html