Triều cường tiếp tục gây vỡ đê cặp sông Hậu

Trước sức ép của triều cường, khoảng 10m đê bao cặp sông Hậu (thuộc xã cù lao Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) bị vỡ, nhiều diện tích cây ăn trái bị ảnh hưởng.

Sự cố vỡ đê cặp sông Hậu thuộc xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng

Sự cố vỡ đê cặp sông Hậu thuộc xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng

Chiều 30-9, đoạn đê bao tại ấp Phong Hòa, xã Phong Nẫm với chiều dài khoảng 10m đã không thể trụ được trước áp lực của triều cường cặp sông Hậu, nước tràn ngập sâu vào vườn cây ăn trái của người dân.

Người dân khu vực bị ảnh hưởng do vỡ đê cho biết, đoạn đê bao bị vỡ trên thuộc phần diện tích của một doanh nghiệp nuôi cá cặp sông Hậu. Trước khi triều cường dâng cao, người dân nơi đây đã nhiều lần yêu cầu doanh nghiệp gia cố đê bao, tuy nhiên doanh nghiệp này vẫn không thực hiện.

Bà Phan Kim Nhẹ, ngụ xã Phong Nẫm cho biết, toàn bộ diện tích hơn 6.000 m² cây ăn trái gồm xoài và nhãn của gia đình đều bị nước nhấn chìm. Thời điểm nước dâng cao nhất gây ngập vườn cây ăn trái hơn 0,5m, cả vườn cây ăn trái đứng trước nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng.

Nhiều diện tích cây ăn trái của người dân bị chìm trong nước

Nhiều diện tích cây ăn trái của người dân bị chìm trong nước

Bên cạnh việc triều cường tiếp tục dâng cao cùng với mưa lớn trên diện rộng, khiến đoạn sạt lở trên có nguy cơ tiếp tục lan rộng vào tối nay.

Ông Nguyễn Minh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Phong Nẫm cho biết, đoạn sạt lở hiện có chiều dài khoảng 10m, ảnh hưởng đến 7 hộ dân và nhiều diện tích cây ăn trái. Chúng tôi đang khẩn trương triển khai các giải pháp gia cố đê bao trong tối nay và ngày mai. Về phía doanh nghiệp nuôi cá, sau đợt triều cường, chúng tôi sẽ làm việc với đơn vị này.

Sự cố vỡ đê tại Cồn Khương (TP Cần Thơ) khiến nước tràn vào nhà người dân hơn 1m

Sự cố vỡ đê tại Cồn Khương (TP Cần Thơ) khiến nước tràn vào nhà người dân hơn 1m

Trước đó, vào tối 29-9, do sức ép của triều cường tại Cồn Khương cặp sông Hậu (thuộc khu vực 3, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã làm vỡ đê với chiều dài khoảng 2m. Sự cố vỡ đê khiến nước tràn sâu vào nhà dân hơn 1m, nhiều diện tích vườn cây ăn trái, ao nuôi cá chìm trong biển nước.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mực nước cao nhất sáng 30-9 trên sông Tiền tại Mỹ Thuận là 2,11m trên báo động (BĐ) 3 là 0,31m (vượt lịch sử năm 2018 là 0,04m); tại Mỹ Tho 1,79m trên BĐ 3 là 0,19m; trên sông Hậu tại Cần Thơ 2,25m, trên BĐ 3 là 0,35m (vượt mức lịch sử năm 2018 là 0,02m, cao hơn mực nước dự báo 15cm); tại Long Xuyên 2,67m, trên BĐ3 0,17m.

Dự báo mực nước đỉnh triều ở các trạm vùng hạ lưu các sông miền Tây Nam bộ còn lên chậm trong 1-2 ngày tới. Đỉnh triều cao nhất trong đợt này sẽ xuất hiện vào các ngày 30-9 và 01-10 (mùng 2-3 tháng Chín Âm lịch) và đạt mức cao hơn BĐ 3 tại các trạm vùng cửa sông. Trên sông Cửu Long, kết hợp giữa triều cường cao và nước từ thượng nguồn về nên mực nước tại các trạm trên dòng chính ở mức cao hơn BĐ III từ 0,20-0,30m.

Triều cường dâng cao, giao thông miền Tây tê liệt

Tại Vĩnh Long, triều cường dâng cao làm một số khu vực ngập sâu, nhiều tuyến đường chìm trong nước, xe chết máy… ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của người dân nơi đây. Một số nơi khác như tỉnh Bến Tre, Trà Vinh mực nước dâng cao, có nơi nước ngang mắt cá chân.

Nước ngập ở nội ô TP Vĩnh Long

Nước ngập ở nội ô TP Vĩnh Long

Chiều ngày 30-9, người dân sống trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cho biết, triều cường hôm nay cao hơn mức triều cường ngày hôm qua, làm nhiều tuyến đường bị ngập, ảnh hưởng đến sinh hoạt và đi lại của người dân nơi này.

Ghi nhận của phóng viên tại TP Vĩnh Long, một số tuyến đường Hoàng Thái Hiếu, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai, Mậu Thân… bị ngập sâu, giao thông tê liệt, công nhân, người lao động đi làm buổi sáng rất khó khăn, do nước ngập hơn 1/3 thân xe khiến nhiều xe chết máy…

Trước đó tại Vĩnh Long từ ngày 25 đến 29-9, triều cường lên cao vượt mức báo động 3, dự báo trong những ngày tới có thể đạt 2m07-2m10. Trong khi mực nước được đo trước đó là lên tới 2m06, xấp xỉ đỉnh triều lịch sử của năm 2018.

Còn tại một số tuyến đường gần sông ở TP Bến Tre, mực nước lên ngang mắt cá chân, không dâng cao như một số tuyến đường tại TP Cần Thơ.

Tại TP Trà Vinh, một số tuyến đường cũng bị thủy triều ghé thăm. Một số xã ven sông thuộc huyện Cầu Kè bị ngập sâu nhưng không có thiệt hại nhiều về vườn cây, ao cá, do người dân có sự chủ động thu hoạch từ sớm...

Nước ngập quốc lộ 1 đoạn giáp ranh giữa Hậu Giang và Sóc Trăng

Nước ngập quốc lộ 1 đoạn giáp ranh giữa Hậu Giang và Sóc Trăng

Ghi nhận tại QL1A, đoạn giáp ranh giữa Hậu Giang và Sóc Trăng. Thủy triều dâng cao kéo dài khoảng 1,5km, nhiều đoạn sâu hơn 0,5m. Nước dâng cao khiến nhiều phương tiện giao thông qua đoạn QL trên gặp nhiều khó khăn.

Ngày 30-9, do ảnh hưởng của triều cường dâng đã gây ngập cục bộ một số tuyến đường trong nội ô TP Bạc Liêu như: Hai Bà Trưng, Hà Huy Tập, Lê Văn Duyệt, Lê Lợi, Võ Thị Sáu, khu vực chợ nông sản phường 3… Việc bị ngập ảnh hưởng lớn đến vấn đề đi lại của người dân và mua bán của tiểu thương.

Cũng do ảnh hưởng bởi triều cường, Quốc lộ 1A đoạn đi qua địa bàn thị xã Giá Rai bị ngập nước khiến dòng xe lưu thông qua đoạn này bị ảnh hưởng.

Trước thực trạng trên, cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông - trật tự và Đội Phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ (Công an thị xã Giá Rai) kết hợp với Công an các xã, phường bị ảnh hưởng đã dùng xe chuyên dụng đến các vị trí ngập để giúp người dân.

TUẤN QUANG - TÍN HUY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/trieu-cuong-tiep-tuc-gay-vo-de-cap-song-hau-619827.html