Triều cường tiếp tục lên ở Nam Bộ, miền Trung lại mưa lớn
Mưa lớn bắt đầu dồn xuống khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định, mở rộng ra phía nam. Trong khi đó, triều cường tiếp diễn ở các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ đến hết tuần.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mưa lớn xuất hiện từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi trong hơn một ngày qua. Nhiều nơi ghi nhận lượng mưa trên 200 mm, tập trung tại Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị.
Ngày 26/10, mưa lớn dồn xuống khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định với lượng phổ biến 50-100 mm, có nơi trên 150 mm. Trong khi đó, từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị và Phú Yên giảm mưa, lượng dao động 20-50 mm.
Mưa cũng mở rộng ra khu vực bắc Tây Nguyên và Nam Bộ với lượng phổ biến 20-40 mm, có nơi trên 70 mm/ngày.
Chuyên gia cảnh báo từ nay đến ngày 27/10, các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi khả năng xuất hiện một đợt lũ. Biên độ lũ lên ở thượng lưu dao động 3-5 m, hạ lưu 1-3 m.
Đỉnh lũ trên các sông khả năng lên mức báo động 1 và 2, có sông trên báo động 2. Riêng sông Kiến Giang (Quảng Bình) khả năng lên mức báo động 2 và 3.
Người dân đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi và ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các địa phương từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi.
Về tình hình triều cường ở Nam Bộ, ngày 26-30/10, mực nước tại trạm Vũng Tàu được dự báo tăng và duy trì ở mức cao. Độ cao mực nước lớn nhất tại Vũng Tàu trong đợt này có thể đạt 4,25-4,35 m vào ngày 26-28/10.
Triều lên tại ven biển Nam Bộ duy trì trong khoảng 1-4h sáng và 13h-17h. Ở các khu vực trong đất liền, đỉnh triều xuất hiện trễ hơn 1-3 giờ, tùy thuộc vào khu vực.
Ảnh hưởng của triều cường, khu vực ven biển Đông Nam Bộ có khả năng ngập úng tại vùng trũng thấp, vùng ven sông và vùng ngoài đê bao.
Trong khi đó, Hà Nội và miền Bắc duy trì trạng thái âm u, nhiều mây, có thể xuất hiện mưa nhỏ ngày 26/10. Những ngày tiếp theo, khu vực hửng nắng nhưng nhiều mây, nhiệt độ dao động 22-30 độ C.
Trong bản tin dự báo thời tiết dài hạn, cơ quan khí tượng cho biết trong vòng một tháng (21/10-20/11), Biển Đông có thể hứng 2-3 áp thấp nhiệt đới hoặc bão. Những hình thái này khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở Trung Bộ.
Cuối tháng 10 và đầu tháng 11, không khí lạnh có xu hướng hoạt động yếu hơn. Từ khoảng giữa tháng 11, hình thái này hoạt động gia tăng cường độ và tần suất gây rét cho miền Bắc.
Chuyên gia tiếp tục cảnh báo miền Trung đề phòng mưa lớn dồn dập từ nay đến cuối năm. Tháng 1/2023, xoáy thuận nhiệt đới vẫn có khả năng xuất hiện ở khu vực nam Biển Đông.
Tháng 11, tổng lượng mưa ở Bắc Trung Bộ khả năng cao hơn 15-30% so với cùng kỳ, trong khi Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ cao hơn 30-60%, có nơi trên 70%.
Đáng lưu ý, Tây Nguyên có thể ghi nhận lượng mưa trong tháng cao hơn 50-100% so với cùng kỳ. Tại Nam Bộ, lượng mưa tháng 11 cũng được dự báo cao hơn 20-40% so với trung bình nhiều năm.