Triệu dân Hà Nội đổ lên vui chơi, Hòa Bình thu cả ngàn tỷ
Chỉ mất hơn một tiếng chạy xe, Hòa Bình với nhiều danh thắng, các khu nghỉ dưỡng, homestay đang thu hút đông đảo du khách Hà Nội, đặc biệt vào dịp cuối tuần.
Hòa Bình vừa công bố cấp độ dịch ở mức 1 nguy cơ thấp. 152 xã, phường hiện là điểm đến an toàn. Sau gần 5 tháng dừng hoạt động, cuối tháng 9/2021 - khi mở cửa, lập tức khách du lịch đổ đến đây. Hiện tại, các khu, điểm du lịch, các di tích lịch sử văn hóa và hơn 400 cơ sở lưu trú tại tỉnh Hòa Bình đã mở cửa phục vụ du khách.
Các homestay, resort quanh lòng hồ sông Đà, các khu bản làng dân tộc... là điểm đến yêu thích của khách Thủ đô. Hiện tại, nhiều cơ sở lưu trú tại đây như Serena Ressort tại Kim Bôi, Bakhan Villa Resort, Mai Châu Hideaway trên Khu du lịch hồ Hòa Bình; Avana Retreat tại Mai Châu,... hầu như kín phòng vào dịp cuối tuần.
Ông Nguyễn Đăng Đức, Trưởng phòng Kinh doanh của Maichau Hideaway cho biết, tuy Hòa Bình mới mở cửa trở lại nhưng resort cũng gần hết phòng từ nay đến cuối năm (vào cuối tuần). Đây là tín hiệu mừng khi du khách đã bớt e ngại dịch bệnh, bắt đầu đi du lịch trở lại.
Ngày 29/10, Hòa Bình đã tổ chức Hội nghị kích cầu du lịch. Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ, Hòa Bình khuyến khích các công ty du lịch thực hiện các gói kích cầu đã công bố và tiếp tục tung ra các chương trình ưu đãi mới.
Tại hội nghị hơn 20 doanh nghiệp đã đăng ký gói kích cầu giảm giá. Công ty Đầu tư Du lịch Hòa Bình giảm giá 20-50% giá phòng và các dịch vụ từ nay đến cuối năm; Công ty CP Thương mại Định Nhuận giảm 30-50% giá phòng, 10% giá ăn uống... từ tháng 10/2021-30/6/2022; Maichau Hideaway miễn phí vé tham quan, lưu trú, giảm 10% tiền phòng từ 10-12/2021; Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam giảm 100% giá vé vào cổng cho khách lưu trú, sử dụng dịch vụ ăn uống, học sinh sinh viên,... và 30% giá vé với khách tham quan từ tháng 11/2021 đến 31/3/2022; Serena Resort giảm 10% giá phòng lẻ từ 11/2021-31/3/2022,...
Tuy nhiên, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội lưu ý, hiện một số đơn vị chỉ kích cầu từ nay đến cuối năm, tức có 2 tháng. Thời gian như vậy là hơi ngắn, cần kích cầu dài hơi hơn. Chưa kể, có tình trạng khách phản ánh ở một số thời điểm, tại một số cơ sở đã tăng giá phòng quá cao, ép giá, gây ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch của tỉnh. Không ít cơ sở thường chỉ đông khách vào cuối tuần, còn trong tuần lại vắng vẻ.
“Hòa Bình cũng chưa quảng bá, tận dụng khai thác được các thế mạnh khác để phát triển du lịch, như thế mạnh về du lịch golf”, ông Hùng góp ý.
Ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch lưu ý, các đơn vị du lịch trong tỉnh cần nghiên cứu về thời gian ưu đãi, ít nhất là 3 tháng, để kích cầu mang tính chất gối đầu, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Hòa Bình cần phối hợp với một số địa phương lân cận như Hà Nội, Sơn La, Thanh Hóa để thực hiện vành đai xanh để kết nối phát triển du lịch ngoại tỉnh.
Với vị trí là cửa ngõ các tỉnh Tây Bắc, tỉnh cũng cần xác định việc xây dựng cung đường xanh kết nối 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. 8 tỉnh này còn liên kết hợp tác với TP.HCM, từ đó mở rộng ra thị trường Tây Nam Bộ, Tây Nguyên.
Hơn hết, ông Phạm Văn Thủy cho rằng, Hòa Bình rất gần Hà Nội. Vì thế, nếu 70% trong số 9 triệu dân Thủ đô đi du lịch (khoảng 5 triệu người), chỉ cần mỗi người lên Hòa Bình 2 ngày, chi tiêu 1 triệu đồng/người thì ngân sách tỉnh có thêm cả nghìn tỷ.
Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ - Hòa Bình có cả 3 lợi thế này nhờ gần Hà Nội, có sông Đà, gần quốc lộ 6 và là cửa ngõ Tây Bắc. Đây là lợi thế tạo ra khả năng khan hàng, cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến để thu hút khách đến nhiều hơn.