Triệu Phong đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa

Bám sát văn bản chỉ đạo của cấp trên về triển khai phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (ĐSVH)', căn cứ tình hình thực tế của địa phương, thời gian qua, Phòng Văn hóa và Thông tin (VH&TT) huyện Triệu Phong ban hành nhiều công văn hướng dẫn UBND, BCĐ cấp xã, ban điều hành các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác xây dựng ĐSVH tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

 Đón nhận danh hiệu gia đình văn hóa. Ảnh: TV

Đón nhận danh hiệu gia đình văn hóa. Ảnh: TV

Cùng với đó, Phòng VH&TT huyện tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân tích cực tham gia thực hiện xây dựng ĐSVH. BCĐ Phong trào huyện phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQVN huyện và các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân hưởng ứng thực hiện các nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với các nội dung chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo đó, chi hội phụ nữ, hội nông dân thường xuyên tổ chức hội thi, hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hiệu quả, qua đó chia sẻ kinh nghiệm đến các hội viên khác tham khảo học tập. Bên cạnh đó, để không xảy ra tình trạng bạo lực gia đình, nhiều địa phương thành lập Câu lạc bộ (CLB) Hòa giải, CLB Phụ nữ với pháp luật, CLB Gia đình hạnh phúc.

Phó Trưởng Phòng VH&TT huyện Triệu Phong Trần Văn Thi cho biết: “Thời gian qua, Phòng VH&TT huyện tham mưu UBND huyện chỉ đạo ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền lồng ghép về Luật Phòng chống bạo lực gia đình vào trong các cuộc họp của cơ quan, đơn vị mình. Các xã: Triệu Thuận, Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Độ, Triệu Trung, Triệu Phước... thực hiện tốt nhiều mô hình như “Gia đình khuyến học, khuyến tài”, “Gia đình sản xuất- kinh doanh giỏi”, “Gia đình không có người vi phạm pháp luật”. Phòng VH&TT huyện phối hợp với UBND thị trấn Ái Tử và 2 xã: Triệu Giang, Triệu Sơn triển khai thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”. Qua thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí này đã góp phần xác định thêm các chuẩn mực của xã hội, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Năm 2020, huyện Triệu Phong triển khai thực hiện bộ tiêu chí này trên toàn huyện”.

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, cấp ủy, chính quyền các địa phương và tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện tích cực đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa góp phần xây dựng, bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa của từng thôn, xã. Nhờ đó, đến cuối năm 2019, trên địa bàn huyện 100% xã có trung tâm văn hóa, học tập cộng đồng hoặc địa điểm đảm bảo sinh hoạt, hội họp, có sân thể thao. Có 90% thôn, khu dân cư có nhà văn hóa thôn hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, hầu hết các thôn đều xây dựng cổng chào của thôn, lắp đặt bảng pa nô, khẩu hiệu kiên cố, có nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp với quy mô dân số. Gần 100% xã có đài truyền thanh không dây. Đài Truyền thanh huyện có 1 máy phát FM phủ sóng toàn huyện, công suất 500W với 25 cụm loa ở thị trấn Ái Tử. Hệ thống thư viện huyện, xã, trường học có hàng ngàn đầu sách và có máy tính kết nối internet. Trên địa bàn huyện hiện có 7 sân bóng đá 7 người và 11 người, 60 sân bóng chuyền đạt chuẩn…

Trưởng Phòng VH&TT huyện Triệu Phong Hồ Ngọc Thiên cho biết thêm: “Công tác xây dựng gia đình văn hóa được cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức thực hiện nền nếp, thực chất, có chiều sâu. Việc xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa được các đơn vị vận dụng sáng tạo gắn liền với nhiệm vụ cụ thể của đơn vị mình như xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, môi trường làm việc văn hóa với phong cách ứng xử, giải quyết công việc thống nhất, khoa học nhằm tạo hiệu quả cao trong công tác, trong hoạt động sản xuất”.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn huyện luôn được sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở. Đối với việc cưới diễn ra gọn nhẹ, tiết kiệm, lành mạnh phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc, phong tục, tập quán của địa phương và hoàn cảnh kinh tế của gia đình. Việc “Nói không với rượu bia trong đêm trước ngày tổ chức lễ cưới” được nhiều gia đình chấp hành tốt.

Đối với việc tang được tổ chức trang nghiêm theo truyền thống địa phương, không tổ chức ăn uống linh đình, thời gian lễ tang không dài (được quy định tại hương ước của làng). Tình trạng rải vàng mả, tiền âm phủ trên đường khi đưa tang đã giảm nhiều, trong đó có các thôn của xã Triệu Phước không rải và đốt vàng mả trong việc tang. Nội dung hương ước, quy ước của thôn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tế địa phương, có tính thống nhất chung và mang tính tự nguyện cao; quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy trong việc đề ra các nội dung, biện pháp xây dựng ĐSVH, đồng thời thể hiện được sắc thái văn hóa của địa phương mình. Đối với các đơn vị mới sắp sếp, sáp nhập, UBND huyện chỉ đạo BCĐ Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH huyện, Phòng VH&TT hướng dẫn BCĐ cấp xã hướng dẫn ban điều hành thôn, khu phố xây dựng quy chế hoạt động, sửa đổi, bổ sung quy ước đơn vị mình cho phù hợp. Với những cách làm trên, tính đến cuối năm 2019, toàn huyện có 24.150/24.995 gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt 96,2%; 100% làng, khu dân cư được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”; 100% xã được công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới….”

Tuấn Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=147979