Triệu Phong dồn sức khôi phục sản xuất

Triệu Phong là huyện trọng điểm về phát triển nông nghiệp của tỉnh. Tổng diện tích gieo trồng toàn huyện 9 tháng của năm 2020 lên đến hơn 16.000 ha, trong đó lúa 11.485,4 ha, ngô 355 ha, khoai lang 550 ha, sắn 752 ha, lạc 364 ha, rau 1.550 ha, đậu các loại 350 ha, ớt 170 ha… Tổng đàn gia súc hơn 36.000 con, đàn gia cầm 630.000 con. Diện tích nuôi trồng thủy sản 751 ha, trong đó riêng nuôi tôm chiếm 458 ha. Tuy nhiên, do ảnh hưởng các đợt bão lũ gần đây đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân nên công tác khôi phục sản xuất gặp muôn vàn khó khăn.

 Người dân Triệu Phong nỗ lực khôi phục sản xuất sau lũ - Ảnh: T.V

Người dân Triệu Phong nỗ lực khôi phục sản xuất sau lũ - Ảnh: T.V

Ông Trần Văn Dương, xã Triệu Phước chia sẻ, gia đình ông nuôi 0,5 ha tôm, mỗi vụ trừ chi phí thu lãi hơn 70 triệu đồng. Các đợt lũ vừa qua cuốn trôi toàn bộ tôm nuôi của gia đình, dụng cụ nuôi tôm và nhiều đoạn bờ ao bị nước gây sạt lở nên thiệt hại vô cùng lớn. Khó khăn là vậy nhưng gia đình ông Dương cố gắng xoay xở tiền để đầu tư cải tạo, sửa chữa lại ao hồ, nuôi tiếp vụ mới. Ông Dương mong muốn nhà nước xem xét hỗ trợ con giống cũng như nguồn vốn để ông và người nuôi tôm có điều kiện đẩy nhanh tiến độ khôi phục sản xuất.

Chủ tịch UBND xã Triệu PhướcNguyễn Văn Vui cho biết, do đặc điểm của xã nằm cuối sông Thạch Hãn lại sát cửa biển nên trong đợt lũ vừa qua xã bị ngập nước rất sâu. Bên cạnh thiệt hại về tài sản, cây trồng, vật nuôi, hạ tầng cơ sở, xã Triệu Phước còn có 170 ha ao hồ nuôi tôm, cua, cá, 81 ha nuôi trồng thủy sản xen ghép bị nước lũ cuốn trôi hơn 200 tấn hải sản. Bên cạnh đó, rất nhiều lán trại, máy móc, vật dụng nuôi tôm và đê ao cũng bị nước lũ cuốn trôi hoặc gây hư hỏng nặng càng làm cho người dân thêm khó khăn trong khôi phục sản xuất. Tổng thiệt hại tài sản trên địa bàn xã do mưa lũ gây ra lên đến gần 29 tỉ đồng. Trước mắt, chính quyền xã Triệu Phước vận động các tổ chức chính trị- xã hội ra quân giúp người dân vệ sinh đồng ruộng, cải tạo, sửa chữa ao nuôi. Người dân trong xã cũng đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần của Nhà nước cũng như cộng đồng xã hội góp phần sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất sau lũ.

Theo thống kê của UBND huyện Triệu Phong, trong các đợt lũ vừa qua, toàn huyện có 1 người chết do lũ cuốn trôi, 10 người bị thương, 1.571 tấn lúa, 41 tấn gạo bị hư hỏng, hơn 330.000 con gia cầm, 1.586 con lợn bị chết hoặc nước cuốn trôi, hàng trăm héc ta ao nuôi tôm bị thiệt hại, 3,6 km đường huyện, 14,9 km giao thông nông thôn, 16,2 km kênh mương, 10 trạm bơm, 593 m đê kè, gần 10 km bờ sông bị sạt lở, hư hỏng… tổng giá trị tài sản thiệt hại trên 325 tỉ đồng. Ngay trong các đợt lũ đang diễn ra, lãnh đạo các cấp từ trung ương đến địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã đến thăm hỏi động viên chia sẻ khó khăn đối với người dân Triệu Phong. Nhận định được sự khó khăn trong khôi phục sản xuất, nhiều đoàn không những hỗ trợ nhu yếu phẩm, thức ăn, nước uống và các vật dụng sinh hoạt trước mắt mà còn hỗ trợ kinh phí, giống cây trồng, vật nuôi để người dân phát triển sản xuất khi lũ đi qua.

Trong số các tổ chức, cá nhân đó có đoàn công tác của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty TNHH Hạt giống CP Việt Nam hỗ trợ cho một số xã bị ngập nặng 4 tấn giống ngô CP311, 3 tấn gạo, 100 triệu đồng. Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên cấp giống và triển khai mô hình chăn nuôi vịt biển thịt cho 15 hộ tại xã Triệu Độ, mỗi hộ 100 con; Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị, Trạm Khuyến nông huyện Triệu Phong hỗ trợ cho các hộ 50% giá trị thức ăn giai đoạn đầu cho vịt với kinh phí trên 15 triệu đồng. Thông qua mô hình nuôi vịt này góp phần giúp địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sớm khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Lãnh đạo huyện Triệu Phong tổ chức nhiều đoàn công tác bám nắm địa bàn, kịp thời đưa ra giải pháp sát đúng để chỉ đạo ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương sớm khôi phục sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Phan Quang Giải chia sẻ, chưa có năm nào mà lũ chồng lũ nhiều đợt như năm nay. Sau mỗi đợt lũ đi qua để lại sự tan hoang trên mỗi cánh đồng do lượng bùn đất, rác thải từ thượng nguồn theo lũ về vùi lấp hơn 220 ha ruộng, hệ thống kênh mương, trạm bơm hư hỏng nặng. Các xã ven sông Thạch Hãn thì tình trạng đất đá, rác thải vùi lấp cánh đồng càng nặng hơn, trong đó có các xã: Triệu Hòa 47 ha, Triệu Long 31,8 ha, Triệu Thượng 82 ha. Bề dày cát bồi lấp bình quân từ 0,3 - 0,5 m, một số điểm bị ảnh hưởng nặng có độ dày lên tới 0,7- 1,2m. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là bằng mọi cách để giúp người dân khôi phục sản xuất. Với quan điểm không để bất cứ một diện tích đất nào bị bỏ hoang do mưa lũ gây ra nên lãnh đạo huyện Triệu Phong liên tục chỉ đạo lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị - xã hội chung tay giúp dân vệ sinh đường sá, cải tạo đồng ruộng, sửa chữa kênh mương nội đồng.

Dự kiến ngày 20/12 tới, các địa phương sẽ tiến hành khâu làm đất để đến ngày 10/1/2021 gieo lúa trà đầu, thời gian từ nay đến đó không còn nhiều nên công việc cải tạo đồng ruộng, kênh mương nội đồng càng cấp bách hơn bao giờ hết. Trước mắt, chính quyền và ngành nông nghiệp huyện Triệu Phong hỗ trợ giúp người dân triển khai trồng các loại cây rau màu trên diện tích đất cao, không bị ngập lụt để tăng thu nhập. Lãnh đạo huyện tăng cường kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí cũng như giống cây trồng, vật nuôi cho người dân, kiên quyết không để ruộng bỏ hoang vì thiếu giống và bùn cát vùi lấp. Đến nay, qua các kênh khác nhau, huyện đã huy động được hơn 30 tấn giống lúa, 630 kg ngô, 650 kg giống rau cung cấp cho các xã sớm khôi phục sản xuất.

Tuấn Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=153514