Triều Tiên 2 tuần phóng 6 tên lửa, không loại trừ thử hạt nhân, điều gì sẽ tới?

Liệu thời kỳ 'lửa và cuồng nộ' sẽ quay lại hay đối thoại sẽ được khôi phục khi chỉ hai tuần đầu năm 2022, Triều Tiên thực hiện bốn đợt phóng tổng cộng sáu tên lửa và không loại trừ sẽ khôi phục thử hạt nhân?

Tình hình bán đảo Triều Tiên từ đầu năm 2022 nóng lại đáng ngại với hàng loạt vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng và sự đáp trả rắn từ phía Mỹ.

Chỉ trong hơn nửa tháng đầu năm 2022, Triều Tiên đã thực hiện tới bốn đợt thử tên lửa. Mới nhất, ngày 17-1, Bình Nhưỡng phóng hai tên lửa ra vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên, mà theo xác nhận từ hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA thì đó là hai tên lửa dẫn đường chiến thuật.

Ngày 14-1, Triều Tiên phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ một toa tàu lửa. Trước đó nữa, nước này phóng các tên lửa siêu thanh vào ngày 5 và 11-1.

Hình ảnh Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ một đoàn tàu trong cuộc tập trận tại một địa điểm không được tiết lộ. Ảnh: KCNA công bố ngày 14-1.

Hình ảnh Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ một đoàn tàu trong cuộc tập trận tại một địa điểm không được tiết lộ. Ảnh: KCNA công bố ngày 14-1.

Coi chừng quay lại thời kỳ đe dọa “lửa và cuồng nộ”

Các vụ phóng thử tên lửa liên tục trong thời gian ngắn của Triều Tiên được đánh giá là bất thường. Sau vụ thử ngày 11-1, Phó GS Leif-Eric Easley, nghiên cứu quốc tế tại ĐH Ewha Womans (Hàn Quốc), nhận định Triều Tiên “đã xếp hàng các tên lửa mà mình muốn thử nghiệm” và “dường như đang báo hiệu rằng họ sẽ không bị phớt lờ và sẽ đáp trả sức ép bằng sức ép”. Còn GS Mason Richey tại ĐH Hankuk (Hàn Quốc) nhấn mạnh đến tần suất phóng và sự đa dạng các địa điểm phóng để thấy Triều Tiên muốn thể hiện quy mô lực lượng tên lửa của mình, từ đó củng cố uy tín răn đe.

Phía Mỹ ngày 9-1 tuyên bố trừng phạt sáu cá nhân Triều Tiên, một cá nhân và một công ty Nga bị cáo buộc hỗ trợ chương trình tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, đồng thời sẽ theo đuổi tìm kiếm các lệnh trừng phạt bổ sung từ Liên Hợp Quốc. Đáp lại, Triều Tiên bảo vệ các vụ thử tên lửa là quyền tự vệ có chủ quyền, cáo buộc Mỹ cố tình tăng đối đầu với các lệnh trừng phạt mới nhắm vào mình, cảnh báo sẽ mạnh tay hơn nếu Mỹ tiếp tục thế đối đầu.

Đáng ngại hơn, ngày 20-1, KCNA khẳng định Triều Tiên sẽ tăng cường khả năng phòng thủ chống lại Mỹ và cân nhắc “khởi động lại tất cả hoạt động tạm thời bị đình chỉ” - cụm từ có thể chỉ lệnh đình chỉ thử vũ khí hạt nhân mà nước này áp dụng từ năm 2017. KCNA cho biết lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ thị các quan chức tăng cường các biện pháp nhằm “kiểm soát hiệu quả các động thái thù địch của Mỹ” và xem xét lại các biện pháp xây dựng lòng tin với Mỹ.

Theo giới quan sát, ông Kim Jong-un hiện dường như không có nhiều hy vọng về bước đột phá ngoại giao với Mỹ. Thêm nữa, sự thông cảm của Trung Quốc đối với Triều Tiên và ác cảm của Trung Quốc với Mỹ có thể khuyến khích Triều Tiên nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ không ủng hộ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế buộc Triều Tiên ngưng thử tên lửa. Tuần trước, Trung Quốc đã chỉ trích việc Mỹ trừng phạt bổ sung Triều Tiên.

Do đó, theo nhiều nhà quan sát, trong đó có chuyên gia Zhao Tong, một chuyên gia về chính sách hạt nhân tại tổ chức Carnegie Endowment for International Peace (Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại có trụ sở chính tại Mỹ), “Triều Tiên có thể nghĩ rằng đây là thời điểm an toàn để thúc đẩy phát triển tên lửa”. Diễn biến này làm giới quan sát nghĩ đến khả năng sẽ quay lại thời kỳ đe dọa “lửa và cuồng nộ” vào năm 2017.

Hay sẽ có đối thoại?

Cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bị đình trệ và bế tắc sau hội nghị thượng đỉnh lần ba giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2019 không có tuyên bố chung. Sau đó không lâu Triều Tiên bắt đầu thử nghiệm một loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới.

Giới quan sát nhận định động thái liên tục phóng tên lửa của Triều Tiên gần đây nhằm mục tiêu rõ ràng là thể hiện sức mạnh quân sự trong bối cảnh quá trình ngoại giao với Mỹ bị gián đoạn.

Đài CNN dẫn ý kiến một số chuyên gia cho rằng từ các vụ phóng tên lửa này có thể thấy lãnh đạo Triều Tiên - ông Kim Jong-un đang quay lại với một “kỹ thuật đã được thử nghiệm” để gây sức ép với Mỹ và các nước láng giềng trong khu vực, nhằm có một cuộc đàm phán với lợi thế cho Triều Tiên. Phó GS Easley cũng cho rằng mục đích các hành động cứng rắn của Triều Tiên là nhằm có được sự nhượng bộ từ Mỹ.

Chính quyền ông Trump khi đó đã bác yêu cầu của Triều Tiên về việc giảm nhẹ trừng phạt để đổi lấy việc từ bỏ một phần khả năng hạt nhân của nước này. Ông Kim kể từ đó đã cam kết mở rộng hơn nữa kho vũ khí hạt nhân.

Ngày 17-1, sau khi điện đàm với những người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật, đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên - ông Sung Kim kêu gọi Bình Nhưỡng nối lại đối thoại và khẳng định phía Mỹ sẵn sàng gặp phía Triều Tiên mà “không cần điều kiện tiên quyết”. Chưa biết khả năng nối lại đối thoại thế nào khi Triều Tiên cho đến nay vẫn giữ quan điểm là Mỹ trước tiên phải từ bỏ “chính sách thù địch”, một thuật ngữ mà Bình Nhưỡng chủ yếu sử dụng mô tả các lệnh trừng phạt và các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.•

Mặc dù nói về ngoại giao và đối thoại nhưng hành động của Mỹ cho thấy nước này vẫn theo đuổi chính sách “cô lập và bóp nghẹt” Triều Tiên - KCNA.

Hàn Quốc tự tin có thể bắn chặn tên lửa Triều Tiên

Ông Kim Dong-yup, cựu sĩ quan Hải quân Hàn Quốc đang giảng dạy tại ĐH Kyungnam (Seoul), nhận định rằng tên lửa mà Triều Tiên phóng ngày 17-1 có vẻ là KN-24 SRBM, được thử nghiệm lần cuối vào tháng 3-2020 và bay được 410 km ở độ cao tối đa 50 km.

KN-24 giống hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội MGM-140 (ATACMS) của Mỹ và được thiết kế để né tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa và có khả năng tấn công chính xác, theo ông Kim Dong-yup. Dựa vào thông tin trên KCNA, ông Kim cho rằng “Triều Tiên dường như đã triển khai và bắt đầu sản xuất hàng loạt KN-24”.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/ban-dao-trieu-tien-co-dau-hieu-nong-lai-vi-ten-lua-1040340.html