Triều Tiên bình dân hóa hình ảnh của ông Kim Jong Un

Nhà lãnh đạo trẻ đặt mình ở vị trí khác, yêu cầu thông tin về ông thực tế và gần gũi hơn so với các lãnh đạo trong quá khứ.

Trong nhiều thập kỷ, các thành viên gia đình họ Kim lãnh đạo Triều Tiên được khắc họa là không thể mắc sai lầm.

Giờ đây, khi đất nước phải đương đầu với những thách thức khó khăn nhất trong nhiều năm, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang có cách tiếp cận khác. Ông đang cho thấy mình là người có thể mắc sai lầm.

Lời xin lỗi chưa từng có

Giữa lúc Triều Tiên đang đối mặt với đại dịch virus corona, thiệt hại do lũ lụt và các lệnh trừng phạt kinh tế, ông Kim đã xin lỗi, thừa nhận những sai lầm trong chính sách và đến thăm các vùng thiên tai. Ông ra lệnh cho quan chức ngừng "thần thoại hóa" gia đình mình vì việc này có thể "che giấu sự thật", theo truyền thông nhà nước.

Ông Kim đã phá vỡ truyền thống một cách rõ ràng vào tuần trước khi ông lên tiếng xin lỗi về việc lính Triều Tiên bắn chết một viên chức Hàn Quốc, chỉ một ngày sau khi các quan chức Seoul yêu cầu phản hồi.

Bình Nhưỡng hiếm khi nhận lỗi thẳng thắn hay nhanh chóng như vậy.

 Ông Kim đi thăm vùng lũ tại tỉnh Hwanghae Bắc trong ảnh được công bố hôm 11/9. Ảnh: KCNA/Reuters.

Ông Kim đi thăm vùng lũ tại tỉnh Hwanghae Bắc trong ảnh được công bố hôm 11/9. Ảnh: KCNA/Reuters.

Các chuyên gia an ninh nói những biểu hiện của sự nhún nhường không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, mà là dấu hiệu cho thấy ông Kim nhận thức rằng ông đang đứng ở vị trí đầy sức mạnh - nắm quyền kiểm soát kho vũ khí hạt nhân mà ông tuyên bố có thể tấn công đất liền Mỹ.

Điều đó cũng cho thấy ông sẽ không vội vàng nối lại việc đàm phán hạt nhân với Washington để có được viện trợ kinh tế.

"Có một điều chắc chắn. Triều Tiên đã ngừng khắc họa nhà lãnh đạo của họ như là thần thánh dưới thời Kim Jong Un", Cheon Seong Whun, cựu quan chức an ninh quốc gia Hàn Quốc, cho biết. "Bởi vì ông ấy có đủ khả năng".

Trong một chuyến thăm vùng lũ hồi tháng 8, ông Kim nói với người dân rằng kế hoạch tăng trưởng kinh tế của ông đã xuất hiện những "sai lệch và thiếu sót" ngoài dự liệu, hứa hẹn đưa ra kế hoạch 5 năm tiếp theo vào đầu năm sau.

Ông Kim dường như đang cố gắng biến mình thành nhà lãnh đạo gần gũi với những người dân bình thường, giới theo dõi Triều Tiên đánh giá.

Đây là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm xây dựng chính phủ hoạt động theo quy trình và có thể bớt dựa dẫm vào những gì được gọi là thần tích của gia đình ông Kim.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011, ông Kim tái tổ chức việc họp hành định kỳ của các cơ quan quản lý hàng đầu đất nước, vốn đã bị đình chỉ phần lớn dưới thời cha ông. Các chuyên gia về Triều Tiên cho biết gần đây, ông đã giao các chính sách và lĩnh vực cụ thể cho các cố vấn, bao gồm cả em gái ông, Kim Yo Jong, như một cách để chia sẻ trách nhiệm.

Michael Madden, chuyên gia về lãnh đạo Triều Tiên, nghiên cứu viên không thường trú tại Trung tâm Stimson, bình luận: "Ông Kim Jong Un đang cố gắng 'bình thường hóa' Triều Tiên hết mức có thể".

Thần thoại hóa

Trong phần lớn lịch sử, Triều Tiên ẩn mình sau gia đình Kim và đối phó với các cuộc khủng hoảng nội bộ theo những cách rất khác nhau. Koh Yu Hwan, lãnh đạo Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, cơ quan nghiên cứu và tư vấn chính sách thuộc chính phủ, cho biết các nhà lãnh đạo Triều Tiên hoạt động theo "nguyên tắc không sai lầm".

Ảnh trái: Hình ảnh năm 2008 khắc họa ông Kim Nhật Thành là "vầng thái dương bất diệt". Ảnh phải: Ông nội và cha ông Kim Jong Un trong hình ảnh năm 2009. Ảnh: Getty.

Ảnh trái: Hình ảnh năm 2008 khắc họa ông Kim Nhật Thành là "vầng thái dương bất diệt". Ảnh phải: Ông nội và cha ông Kim Jong Un trong hình ảnh năm 2009. Ảnh: Getty.

Người sáng lập đất nước và cũng là ông nội của ông Kim, Kim Nhật Thành, có thể bay lên và biến quả thông thành đạn và lựu đạn khi chiến đấu với quân Nhật Bản trong Thế chiến II, truyền thông nhà nước Triều Tiên từng nói.

Căn cứ hoạt động của ông trong thời kháng Nhật là núi Paektu (Bạch Đầu Sơn) và nơi này sau đó đã trở thành địa điểm linh thiêng, qua đó các hậu duệ của ông Kim Nhật Thành được xem là mang "dòng máu Paektu".

Cơ quan tuyên truyền của Triều Tiên tuyên bố rằng bầu trời lấp lánh những vì sao khi con trai ông, Kim Jong Il, được sinh ra trên núi Paektu.

Trong những năm 1970, Triều Tiên thịnh vượng hơn về kinh tế so với Hàn Quốc, giúp ông Kim Nhật Thành duy trì quyền lực vững chắc.

Cơ quan tuyên truyền cũng nói ông Kim Nhật Thành có thể kiểm soát thời tiết, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy ông có thể làm được nhiều việc để cải thiện tình hình thông qua các chính sách của mình.

 Ông Kim cưỡi ngựa trên núi Paektu, địa điểm được xem là linh thiêng ở Triều Tiên, trong ảnh được công bố năm 2019. Ảnh: KCNA/Reuters.

Ông Kim cưỡi ngựa trên núi Paektu, địa điểm được xem là linh thiêng ở Triều Tiên, trong ảnh được công bố năm 2019. Ảnh: KCNA/Reuters.

Không có hồ sơ nào cho thấy con trai ông, Kim Jong Il, đi thăm các vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt và nạn đói sau khi ông lên nắm quyền vào năm 1994. Truyền thông nhà nước Triều Tiên không bao giờ đưa tin đầy đủ về các cuộc khủng hoảng, thay vào đó công bố hình ảnh ông Kim Jong Il nướng khoai tây với các đồng chí bên cạnh đống lửa trại.

Đối mặt với khó khăn kinh tế, ông Kim Jong Il đã khởi động việc đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc để được viện trợ kinh tế, đổi lại bằng cam kết phi hạt nhân hóa - dù Bình Nhưỡng âm thầm tiếp tục làm giàu uranium và bán vũ khí cho Trung Đông.

Truyền thông "thực tế hơn"

Trong những năm đầu cầm quyền, ông Kim Jong Un cũng tiếp tục truyền thống của gia đình. Sách giáo khoa của Triều Tiên nói ông có thể lái ôtô khi mới 3 tuổi và giành chiến thắng trong cuộc đua thuyền buồm năm 9 tuổi.

Song theo lệnh của ông Kim, tờ báo chính thức của Triều Tiên, Rodong Sinmun, hồi tháng 5 thừa nhận rằng ông Kim Nhật Thành không có khả năng bay lên. Cùng tháng đó, trong một bài xã luận, tờ báo nói việc thông tin giờ đây phải thực tế hơn.

Ông Kim thay đổi cách khắc họa gia đình mình khi ngày càng có nhiều thông tin bên ngoài xâm nhập vào đất nước. Việc sử dụng điện thoại di động và buôn lậu xuyên biên giới trở nên phổ biến, và nhiều người Triều Tiên bí mật liên lạc với người thân đã đào tẩu sang Hàn Quốc.

 Ông Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại Hà Nội tháng 2/2019. Ảnh: AFP.

Ông Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại Hà Nội tháng 2/2019. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, ông Kim Jong Un đặt mình ở vị trí khác so với ông nội và cha ông. Ông đã gặp Tổng thống Trump ba lần và theo tuyên bố của ông, Triều Tiên đã hoàn thành chương trình hạt nhân hơn hai năm trước. Đó là chuyện mà ông thường xuyên đề cập đến, kể cả trong một bài phát biểu hồi tháng 7.

"Nhờ khả năng răn đe hạt nhân để tự vệ có hiệu quả và đáng tin cậy của chúng ta, từ 'chiến tranh' sẽ không còn tồn tại trên mảnh đất này, và an ninh cũng như tương lai của nhà nước chúng ta sẽ được đảm bảo mãi mãi", ông Kim nói.

Đông Phong
Theo Wall Street Journal

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trieu-tien-binh-dan-hoa-hinh-anh-cua-ong-kim-jong-un-post1137332.html