Triều Tiên chỉ trích Mỹ và Nhật Bản cùng sản xuất tên lửa
Triều Tiên chỉ trích thỏa thuận mà Nhật Bản và Mỹ nhất trí gần đây về việc cùng sản xuất tên lửa không đối không, cho rằng điều này làm trầm trọng thêm các rủi ro an ninh ở khu vực và là một ví dụ nữa cho thấy Washington đang quân sự hóa Nhật Bản.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth trong cuộc gặp Thủ tướng Nhật Shigeru Ishiba, ngày 30/3. (Ảnh: Reuters)
Bài viết của hãng thông tấn KCNA cho rằng vào thời điểm Mỹ chuẩn bị nâng cấp bộ chỉ huy quân sự tại Nhật Bản, hợp tác của hai nước trong sản xuất vũ khí rõ ràng mang “ý định quân sự hung hăng” nhằm vào các quốc gia trong khu vực.
Bài viết dẫn lời một quan chức không nêu tên của Bộ Quốc phòng Triều Tiên. Quan chức này đã đề cập đến hệ thống tên lửa không đối không AIM-120 mà Mỹ và Nhật Bản đồng ý đẩy nhanh quá trình hợp tác sản xuất, nhân dịp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth có chuyến thăm Tokyo vào cuối tuần qua.
Theo vị quan chức Triều Tiên, việc trang bị một loại vũ khí như vậy cho các máy bay tham gia tập trận quân sự thường xuyên trong khu vực sẽ làm tăng thêm "yếu tố bất ổn chiến lược mới cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
"Chắc chắn, trọng tâm của chiến lược an ninh quân sự theo định hướng bá quyền của Mỹ đang thay đổi và đây là tín hiệu cảnh báo mới cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm các quốc gia ở Đông Bắc Á", vị quan chức nói.
Tại Tokyo, Bộ trưởng Hegseth và người đồng cấp Nhật Bản đã nhất trí đẩy nhanh kế hoạch cùng sản xuất tên lửa không đối không ngoài tầm quan sát và cân nhắc cùng sản xuất các loại tên lửa đất đối không khác. Ông Hegseth nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nhật Bản trong việc ngăn chặn Trung Quốc, gọi Tokyo là “chiến binh” không thể thiếu để ngăn chặn Bắc Kinh.
Việc Bộ trưởng đề cao vai trò của Nhật Bản trái ngược với những chỉ trích mà ông dành cho các đồng minh châu Âu và phàn nàn của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Tokyo chưa làm đủ để hỗ trợ sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia này.
Quan chức Bộ Quốc phòng Triều Tiên cho biết, ưu tiên của Bình Nhưỡng là chống lại tình hình bất ổn ngày càng gia tăng bằng cách tăng cường khả năng răn đe quân sự.