Triều Tiên có 3 tên lửa có thể qua mặt hệ thống phòng không Mỹ

Báo cáo của Mỹ nhấn mạnh ba hệ thống tên lửa mới mà Triều Tiên thử nghiệm gần đây (KN-23, KN-24 và KN-25) có thể qua mắt các hệ thống phòng không.

Một báo cáo mới của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS) kêu gọi cần có sự chú ý vào ba loại tên lửa mà Triều Tiên phát triển gần đây. CRS cho biết ba loại tên lửa này được thiết kế để qua mắt các hệ thống phòng không và thực hiện tấn công chiến thuật.

Theo hãng tin Sputnik, báo cáo của CRS về hệ thống tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên được công bố hôm 14-7.

Triều Tiên phát triển tên lửa có thể qua mắt Patriot, Aegis, THAAD

Theo báo cáo, những vụ thử nghiệm tên lửa gần đây của Triều Tiên cho thấy nước này muốn tăng cường độ tin cậy, tính hiệu quả và sức sống cho lực lượng tên lửa đạn đạo của mình.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14. Ảnh: KCNA/REUTERS

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14. Ảnh: KCNA/REUTERS

“Những tiến bộ gần đây trong chương trình thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Triều Tiên dường như hướng đến việc phát triển năng lực đánh bại hoặc giảm tính hiệu quả của những hệ thống phòng thủ tên lửa được triển khai trong khu vực -Patriot, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis và hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD)” – báo cáo cho biết.

Ngoài ra, những tiến bộ trong phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên cho thấy nước này đang nỗ lực nhằm chống lại hệ thống THAAD triển khai trên đất liền.

Ba loại tên lửa đáng chú ý nhất của Triều Tiên

Báo cáo của CRS nhấn mạnh vào ba hệ thống tên lửa mới mà Triều Tiên thử nghiệm gần đây: KN-23, KN-24 và KN-25. Khi những tên lửa này được thử nghiệm vào năm 2019 và 2020, sự giống nhau của chúng khiến nhiều người nhầm tưởng rằng ba tên lửa này là một.

Ba tên lửa KN-23, KN-24 và KN-25 đều được phóng từ các bệ phóng di động, đi theo đường bay không điển hình vốn được thiết kế để đánh lừa hệ thống phòng không và có tầm bắn khá hạn chế.

Trong ba tên lửa trên, KN-23 dường như có tầm bắn xa nhất với gần 700 km, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).

Báo cáo của CRS lưu ý KN-23 minh họa cho sự tiến bộ đáng chú ý nhất của Triều Tiên trong lĩnh vực phát triển vũ khí nhỏ. Trong một đợt phóng thử gần đây, KN-23 được sử dụng để làm rối loạn tên lửa phòng không hoặc hệ thống nhắm mục tiêu. Một số tên lửa khác như tên lửa diệt hạm Harpoon của Hải quân Mỹ cũng có khả năng tương tự.

Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên hôm 26-7-2019. Ảnh: YONHAP

Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên hôm 26-7-2019. Ảnh: YONHAP

Về tên lửa KN-24, báo cáo của CRS lưu ý tên lửa này có hệ thống dẫn đường và khả năng cơ động cao giữa hành trình bay để tấn công chính xác mục tiêu.

Báo cáo cảnh báo KN-24 có thể được được trang bị đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường.

Về tên lửa KN-25, báo cáo cho biết tên lửa này đã làm mờ đường ranh giữa rocket và tên lửa.

KN-25 sở hữu hệ thống điện tử hàng không hiện đại, hệ thống dẫn đường quán tính và vệ tinh cùng các cấu trúc khí động học. Vũ khí này dường như là một loại pháo phản lực, tương tự như hệ thống HIMARS của quân đội Mỹ.

Theo báo báo, quân đội Triều Tiên có thể tìm cách phóng KN-25 hàng loạt nhằm áp đảo mạng lưới phòng thủ của kẻ thù.

Nhật Bản: Triều Tiên là mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh

Sách trắng quốc phòng của chính phủ Nhật được công bố trong tuần này cũng nêu ra cảnh báo tương tự về khả năng tên lửa của Triều Tiên.

Tài liệu đặc biệt nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng có lẽ đang phát triển tên lửa đạn đạo có quỹ đạo bay thấp, vốn có thể tránh được mạng lưới phòng thủ tên lửa của Nhật và thực hiện tấn công hạt nhân nhằm vào lãnh thổ nước này, theo hãng tin Sputnik.

Sách trắng quốc phòng Nhật gọi Triều Tiên là mối đe dọa tiềm tàng và nghiêm trọng cho an ninh nước này.

Lực lượng Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên khắp Hàn Quốc và Nhật, chuyên phát hiện và bắn hạ tên lửa chiến lược. Thế nhưng, khả năng phòng không tầm ngắn của Mỹ đã bị lãng quên trong thời gian qua.

Sau vụ hai cơ sở dầu mỏ ở Saudi Arabia bị tấn công bằng máy bay không người lái hồi tháng 9-2019, Lầu Năm Góc đã tập trung trở lại và phòng thủ tầm ngắn.

Phần lớn nỗ lực là tập trung vào phòng thủ chống máy bay không người lái, chẳng hạn như hệ thống Howler và pháo phòng không gắn trên tàu. Lục quân Mỹ cũng đã cân nhắc lựa chọn điều chỉnh một số phương tiện chiến thuật hạng nhẹ (JLTV) Humvee để chúng có thể mang theo tên lửa phòng không tầm ngắn.

Lầu Năm Góc gần như đã chốt mua một số hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel, song thỏa thuận thất bại hồi tháng 5. Lý do Israel từ chối cung cấp cho các chỉ huy quân đội Mỹ mã nguồn hệ thống – vốn sẽ cho phép hệ thống này tích hợp với các hệ thống khác.

THIÊN THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/quan-su/trieu-tien-co-3-ten-lua-co-the-qua-mat-he-thong-phong-khong-my-925044.html