Triều Tiên đối mặt khó khăn lương thực nghiêm trọng
Thông tin do Liên Hợp Quốc thu thập và công bố đang thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế về tình hình lương thực tại Triều Tiên.
Dữ liệu về thương mại, ảnh vệ tinh cùng các đánh giá mà Liên Hợp Quốc công bố tuần qua cho thấy nguồn cung lương thực tại Triều Tiên hiện đã "rơi xuống thấp hơn mức tối thiểu" để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Một số chuyên gia cho rằng tình hình lương thực tại Triều Tiên đang khó khăn nhất kể từ thập niên 1990.
Nỗ lực cải tổ nông nghiệp
Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), từ trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, tình trạng thiếu lương thực đã gây tác động tiêu cực tới chế độ dinh dưỡng của gần 50% dân số Triều Tiên, CNN đưa tin.
Sau khi Covid-19 bùng phát, Triều Tiên đã đóng cửa biên giới và dừng mọi hoạt động thông thương với bên ngoài. Sau 3 năm, tình hình lương thực tại nước này càng trở nên trầm trọng hơn.
Tuần qua, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã chủ trì cuộc họp 4 ngày của đảng Lao động Triều Tiên để thảo luận định hướng cải tổ ngành nông nghiệp. Các chuyên gia tin rằng cuộc họp 4 ngày nói trên là dấu hiệu cho thấy tình hình lương thực tại Triều Tiên đã trở nên nghiêm trọng.
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, tại cuộc họp, ông Kim yêu cầu "chuyển đổi căn bản" hoạt động nông nghiệp và kế hoạch kinh tế của nhà nước. Nhà lãnh đạo vạch ra nhiều kế hoạch và nhiệm vụ cụ thể nhằm xây dựng "các cộng đồng nông thôn giàu có và văn minh, với trình độ công nghệ tiên tiến".
Ông Kim cũng chỉ đạo cải tạo hệ thống tưới tiêu nhằm đối phó biến đổi khí hậu, sản xuất các loại máy móc nông nghiệp hiệu quả nhằm hiện đại hóa canh tác. Bên cạnh đó, giới chức Triều Tiên được yêu cầu khai hoang các vùng đất để mở rộng diện tích nông nghiệp.
Nhà lãnh đạo nhấn mạnh yêu cầu siết chặt kỷ luật trong thực hiện kế hoạch kinh tế, cảnh báo "các dấu hiệu làm suy yếu thẩm quyền tổ chức và thực hiện chính sách của chính phủ". Ông Kim chỉ đạo tất cả cơ quan chính trị kiểm tra năng suất làm việc.
Bởi theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Triều Tiên từ lâu đã hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng hiện trạng lương thực lúc này của Triều Tiên không xuất phát từ các lệnh trừng phạt.
Trong thời gian đại dịch, Bình Nhưỡng xây dựng hàng rào dài 300 km dọc biên giới với Trung Quốc. Các hoạt động buôn bán xuyên biên giới bị chặn lại. Trong năm 2022, Triều Tiên cũng chi không ít tiền của để tiến hành các vụ phóng thử tên lửa nhiều kỷ lục.
Cần mở cửa biên giới
Theo số liệu chính thức năm 2022 do cơ quan hải quan Trung Quốc cung cấp, Bắc Kinh xuất khẩu gần 56.000 tấn lúa mỳ và hơn 53 tấn ngũ cốc tới Triều TIên.
Tuy vậy, lệnh đóng cửa biên giới đã khiến các hoạt động giao thương tiểu ngạch, không chính thức giữa Triều Tiên và Bắc Kinh bị siết chặt, mà đây vốn là dòng chảy hàng hóa chính tại Triều Tiên.
"(Mua bán tiểu ngạch) là một trong những huyết mạch chính của thị trường bên trong Triều Tiên, nơi người dân mua các loại hàng hóa", Lina Yoon, chuyên gia tổ chức theo dõi quyền con người, nói.
Nhiều chuyên gia nhận định vấn đề gốc rễ của tình trạng lương thực tại Triều Tiên là chính sách điều hành nền kinh tế. Việc Bình Nhưỡng tìm cách siết chặt quản lý ngành nông nghiệp nhiều khả năng không cải thiện được tình hình.
"Triều Tiên cần mở cửa biên giới và tái khởi động hoạt động thương mại. Họ cần mua các sản phẩm phục vụ nông nghiệp", chuyên gia Yoon nhận định.
Các cuộc phóng thử tên lửa đạn đạo trong năm qua khiến quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc trở nên ngày càng xa cách. Bình Nhưỡng đã nhiều lần bác bỏ đề nghị hỗ trợ từ nước láng giềng.
Tuần trước, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin cho biết "cách duy nhất để Triều Tiên thoát khỏi vấn đề này là trở lại bàn đàm phán và tiếp nhận đề nghị hỗ trợ nhân đạo".
Trả lời CNN hôm 2/3, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo nói tin tức tình báo mà Seoul thu được cho thấy "các chính sách của Triều Tiên đang thay đổi". Ông Han cho rằng đây là dấu hiệu tình hình lương thực ở Triều Tiên đang chuyển biến xấu.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc chỉ trích việc Bình Nhưỡng tiếp tục tập trung vào chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân thay vì tập trung sản xuất nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc tin rằng sản lượng hoa màu năm 2022 của Triều Tiên sụt giảm 4% so với năm trước đó do lũ lụt và các hình thái thời tiết cực đoan.