Triều Tiên - đòn bẩy của Bắc Kinh trong đàm phán thương mại với Mỹ
Việc ông Kim Jong Un gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trong thời điểm đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn sớm đạt thỏa thuận với Washington.
Vào ngày 8/1, phái đoàn Mỹ do Phó đại diện thương mại Jeffrey Gerrish dẫn dầu làm việc với các quan chức Trung Quốc tại trụ sở Bộ Thương mại nước này ở Bắc Kinh. Hai bên hướng tới một thỏa thuận trước thời hạn 1/3, nếu không, Mỹ sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong cùng buổi sáng cuộc gặp của các quan chức Mỹ - Trung diễn ra, chuyến tàu đưa ông Kim Jong Un khởi hành từ đêm hôm trước ở Bình Nhưỡng đã đến ga đường sắt Bắc Kinh. Chuyến đi của ông Kim không được thông báo trước, và diễn ra vào đúng ngày sinh nhật của lãnh đạo Triều Tiên.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc cho biết hai sự kiện này không liên quan, New York Times nhận định chuyến thăm bất ngờ của ông Kim trở thành lời nhắc nhở với Washington về những gì có thể xảy ra trong trường hợp đàm phán thương mại thất bại: Bắc Kinh chắc chắn vẫn có ảnh hưởng quan trọng trong tiến trình phi hạt nhân hóa bản đảo Triều Tiên.
Cả Trung Quốc lẫn Triều Tiên đều cần đòn bẩy
Phát biểu vào ngày 7/1, Tổng thống Donald Trump cho biết: "Tôi nghĩ rằng Trung Quốc muốn giải quyết điều này. Nền kinh tế của họ đang không tốt. Tôi nghĩ đó là động lực lớn để họ đàm phán".
Cuộc chiến thương mại không phải là lý do duy nhất khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhưng rõ ràng là nó không làm tình hình trở nên tốt hơn.
Tại một hội thảo của ngân hàng UBS tại Thượng Hải vào ngày 7/1, ông Fred Hu, nhà sáng lập một quỹ cổ phần riêng (private equity firm) có trụ sở ở Hong Kong, nhận định: "Cuộc chiến thương mại, bên cạnh tác động trực tiếp (về thuế) của nó, đã tạo ra cảm giác bấp bênh với các nhà nhập khẩu, xuất khẩu, nhà sản xuất, người tiêu dùng, cộng đồng khởi nghiệp và các nhà đầu tư".
Những nhân vật với quan điểm diều hầu trong chính quyền Tổng thống Trump cho rằng tới lúc này, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra những nhượng bộ hợp lý. Họ muốn gây sức ép với Bắc Kinh để làm rõ những lời hứa mơ hồ của chính phủ Trung Quốc về việc cải thiện bảo vệ tài sản trí tuệ, hạn chế sự ưu ái của chính phủ với các doanh nghiệp nhà nước và ngừng việc gây áp lực lên các công ty Mỹ đòi chuyển giao công nghệ.
Trong thời điểm căng thẳng này, Triều Tiên sẽ giúp Bắc Kinh có được đòn bẩy cần thiết. Chiến lược chủ yếu của chính quyền ông Trump với Bình Nhưỡng là gây áp lực cao nhất bằng các lệnh trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, để phương án này trở nên hiệu quả lại cần sự hợp tác của Trung Quốc, vì đây là thị trường cho 90% các hoạt động thương mại với nước ngoài của Triều Tiên.
Về động cơ của Bình Nhưỡng, chuyên gia quốc phòng Harry Kazianis tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia, một viện chính sách ở Washington, nhận định: "Ông Kim muốn nhắc nhở chính quyền Trump rằng ông ấy có một lựa chọn ngoại giao và kinh tế khác, ngoài những gì mà Washington cùng Seoul đề nghị".
Ông Kazianis cũng nhắc lại chuyến đi của ông Kim diễn ra ngay sau bài phát biểu năm mới của nhà lãnh đạo Triều Tiên, trong đó đe dọa sẽ tìm "một cách mới" để bảo vệ lợi ích quốc gia nếu Washington tiếp tục giữ vững các lệnh trừng phạt.
Nguy cơ phản tác dụng
Trước đây, các quan chức Trung Quốc phủ nhận sự liên quan giữa căng thẳng thương mại và các vấn đề an ninh quốc gia. Một "đòn bẩy" cũng có thể lại rủi ro cho Bắc Kinh. Những cố vấn diều hâu trong Nhà Trắng có thể khiến ông Trump đưa ra những quyết định cứng rắn hơn, nhất là khi tổng thống Mỹ vốn là người khó đoán định.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu vào ngày 7/1, cho biết Triều Tiên và cuộc chiến thương mại là hai vấn đề hoàn toàn tách biệt. Một ngày sau, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cũng cho biết cuộc gặp giữa ông Kim và ông Tập không liên quan đến các vấn đề thương mại với Mỹ: "Trung Quốc có rất nhiều hoạt động ngoại giao, và lịch trình ngoại giao của chúng tôi rất dày đặc. Nếu có sự chồng chéo thì đó cũng là điều tự nhiên".
Mặc dù ông Trump dự kiến sẽ xuất hiện tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vào tháng này ở Davos, Thụy Sĩ, chính phủ Mỹ đã từ chối những nỗ lực của Bắc Kinh để tổ chức thêm một cuộc gặp song phương ở sự kiện này. Chuyến thăm Mỹ của Phó thủ tướng Lưu Hạc, cố vấn số 1 về kinh tế của Chủ tịch Tập, dự kiến diễn ra trong tháng này, cũng đã bị dời tới sau ngày 29/1.
Điều này khiến cho những kết quả từ chuyến đi của ông Lưu sẽ không kịp có ảnh hưởng tích cực đến thị trường Trung Quốc vào thời điểm quan trọng nhất: trước Tết Nguyên đán. Tết Âm lịch sẽ bắt đầu vào ngày 4/2, và vài tuần trước Tết thường là quãng thời gian mua sắm bận rộn của người dân.
Vì vậy, chuyến đi của ông Kim cho Bắc Kinh cơ hội để thể hiện với Washington rằng họ có một thứ Mỹ muốn. Cả 3 chuyến đi tới Trung Quốc vào năm ngoái của nhà lãnh đạo Triều Tiên đều liên quan tới quá trình đối thoại với Mỹ, và chuyến thăm Bắc Kinh vào ngày 8/1 cũng diễn ra trong bối cảnh chuẩn bị cho cuộc gặp lần 2 của ông Kim và ông Trump.
Trong một diễn biến khác, cuộc đàm phán thương mại giữa phái đoàn Mỹ và Trung Quốc tại Bắc Kinh, dự kiến kéo dài 2 ngày từ 7-8/1, đã bất ngờ kéo dài sang ngày thứ ba.