Triều Tiên lại... chuyền bóng cho Mỹ
Tuyên bố phá hủy vĩnh viễn khu thử động cơ tên lửa Tongchang-ri của Triều Tiên có thể giúp hồi sinh cuộc đàm phán đang bị đình trệ với Mỹ về chương trình hạt nhân
Phát biểu tại cuộc họp báo chung ở thủ đô Bình Nhưỡng trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3 hôm 19-9, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhất trí đưa ra "Tuyên bố chung Bình Nhưỡng tháng 9", với mục đích xây dựng bán đảo Triều Tiên thành "vùng đất hòa bình không tồn tại vũ khí hạt nhân và các mối đe dọa hạt nhân".
Những cam kết mới
Tổng thống Moon cho biết ông Kim đồng ý tháo dỡ vĩnh viễn khu thử động cơ tên lửa và bãi phóng Tongchang-ri trước sự chứng kiến của các chuyên gia quốc tế như một bước đi cụ thể hướng đến phi hạt nhân hóa. Hơn nữa, Triều Tiên sẵn sàng phá hủy vĩnh viễn khu phức hợp hạt nhân Yongbyon nếu Mỹ có "hành động tương xứng".
Các cam kết mà cả hai nhà lãnh đạo đưa ra lần này có thể tạo động lực mới cho các cuộc đàm phán hạt nhân đang bị đình trệ giữa Washington và Bình Nhưỡng, đồng thời đặt nền tảng cho một cuộc họp khác được nhà lãnh đạo Kim đề xuất gần đây với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Kim cũng cho biết sẽ đến thăm Seoul trong tương lai gần (có thể là cuối năm nay), nếu xảy ra thì đây sẽ là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên đến thăm thủ đô láng giềng.
Tuyên bố chung cũng đề cập đến việc thành lập một ủy ban quân sự chung để thảo luận biện pháp tránh xung đột, thiết lập tuyến đường sắt và đường bộ giữa hai miền trong năm tới, ngừng các cuộc diễn tập quân sự nhằm vào đối phương dọc Đường ranh giới quân sự (MDL)...
Trong ngày 20-9, ông Moon có kế hoạch tham quan núi Baektu cùng với nhà lãnh đạo Kim trước khi về nước.
Mô tả những bước tiến mà Hàn Quốc và Triều Tiên đạt được trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày của Tổng thống Moon là "rất thú vị", Tổng thống Trump hoan nghênh trên mạng xã hội Twitter: "Ông Kim Jong-un đã cho phép tiến hành thanh tra chương trình hạt nhân, hướng tới những cuộc đàm phán cuối cùng, đồng ý phá hủy vĩnh viễn một bãi thử và bệ phóng tên lửa trước sự chứng kiến của các chuyên gia quốc tế. Sẽ không có tên lửa hay bất kỳ vụ thử hạt nhân nào".
Bài toán của Mỹ
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cùng ngày 19-9 cho biết: "Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đều nhấn mạnh mục tiêu chung của việc phi hạt nhân hóa và mở đường hướng đến hoàn thành mục tiêu đó".
Bà Nauert thông tin Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ chủ trì một cuộc họp cấp bộ trưởng về vấn đề Triều Tiên (trong khuôn khổ kỳ họp thứ 73 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc) vào ngày 27-9 tại TP New York - Mỹ.
Nhận xét về các cam kết phá hủy hai khu Tongchang-ri và Yongbyon, các chuyên gia cho rằng bóng đã được chuyền đến chân Mỹ. Theo đài CNN, đã hơn 3 tháng kể từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore và các cuộc cuộc đàm phán giữa hai bên dường như đi vào ngõ cụt.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lời đề nghị của ông Kim hôm 19-9 có thể tạo bước đà nhảy vọt. Ông Michael Fuchs, thành viên cấp cao của Trung tâm Tiến bộ Mỹ, nhận xét: "Câu hỏi lớn nhất vẫn chưa có lời đáp là cái giá mà Triều Tiên muốn có được từ Mỹ".
Trong khi đó, cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong cho rằng trong số các bước Mỹ có thể làm bao gồm việc tuyên bố kết thúc chiến tranh, bởi cuộc chiến Triều Tiên (1950-1953) mới chấm dứt bằng thỏa thuận đình chiến chứ không phải hiệp ước hòa bình. Bình Nhưỡng cũng nhiều lần từ chối từ bỏ kho vũ khí hạt nhân trừ khi Mỹ chính thức có tuyên bố kết thúc chiến tranh.
Tuy nhiên, các cam kết mới của Bình Nhưỡng vẫn chưa làm yên lòng giới quan sát. Bà Seo Yu-suk, chuyên gia tại Viện Triều Tiên (Hàn Quốc), nói các cơ sở ở Tongchang-ri và Yongbyon đã "gần như lỗi thời" và Triều Tiên hiện đã có các bệ phóng tên lửa di động.
Chưa hết, các thỏa thuận kết nối đường sắt, đường bộ, mở lại khu công nghiệp chung Kaesong và nối lại hoạt động du lịch tới núi Kumgang (Triều Tiên) mà hai ông Kim - Moon vừa đạt được có nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trieu-tien-lai-chuyen-bong-cho-my-20180919212334328.htm