Triều Tiên muốn gì sau khi liên tiếp phóng tên lửa?

Các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên đã làm dấy lên những lo ngại về việc nối lại các đàm phán vốn đã mong manh giữa Mỹ và nước này.

Triều Tiên bắn 2 tên lửa đạn đạo trong 1 tuần

Triều Tiên bắn 2 tên lửa đạn đạo trong 1 tuần

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 6 và hai bên nhất trí khôi phục lại cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, Triều Tiên đã lại phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn tới hai lần. Các vụ thử này đã làm dấy lên những lo ngại về việc nối lại các đàm phán vốn đã mong manh giữa Mỹ và Triều Tiên.

Hai vụ phóng tên lửa liên tiếp

Chỉ trong vòng một tuần qua, Triều Tiên đã hai lần phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Vào ngày 25.7, Triều Tiên đã phóng thử hai vật thể bay từ khu vực gần TP Wonsan ở bờ biển phía đông nước này. Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) sau đó đưa tin nước này đã phóng "vũ khí dẫn đường chiến thuật mới" theo sự chỉ đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Theo KCNA, vụ phóng này nhằm gửi lời cảnh báo tới "những người theo chủ nghĩa quân phiệt" ở Hàn Quốc đang thúc đẩy triển khai các vũ khí mới trên lãnh thổ Hàn Quốc và tiến hành các cuộc tập trận quân sự.

Tiếp đó, vào ngày 31.7, Triều Tiên đã lại phóng các vật thể bay mà Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) thông báo các vật thể bay này chính là tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Theo JCS, các tên lửa này được phóng đi từ Bán đảo Hodo thuộc tỉnh Nam Hamgyong ở bờ biển phía đông Triều Tiên và bay khoảng 250km trước khi rơi xuống biển. Các chuyên gia thuộc JCS cũng cho rằng loại tên lửa được phóng sáng 31.7 khác với những tên lửa mà Bình Nhưỡng đã thử nghiệm trước đó và các tên lửa của Triều Tiên cũng xuất phát từ một bệ phóng tên lửa di động (TEL), giống như vụ phóng của nước này hôm 25.7 vừa qua. Vụ phóng này dường như là một cuộc thử nghiệm vũ khí, xét tới độ cao khá thấp của tên lửa (chỉ khoảng 30m).

Điều đặc biệt là các vụ phóng này diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đang lên kế hoạch tiến hành cuộc tập trận chung mang tên “19-2 Dong Maeng”. Ngày 16.7, Triều Tiên đã lên án Mỹ về kế hoạch diễn tập quân sự chung với Hàn Quốc vào tháng 8 tới, đồng thời cảnh báo cuộc tập trận này sẽ ảnh hưởng đến triển vọng của các cuộc đàm phán cấp chuyên viên về phi hạt nhân hóa mà Washington đang đề xuất với Bình Nhưỡng.

Dư luận cũng cho rằng đây là "thông điệp mạnh mẽ" của Bình Nhưỡng phản đối kế hoạch tập trận chung Mỹ-Hàn. Bởi lâu nay, Triều Tiên vẫn coi những cuộc diễn tập Mỹ- Hàn Quốc là hành động chuẩn bị cho cuộc xâm lược quốc gia này khi vẫn có khoảng gần 30.000 lính Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc và lực lượng này vẫn diễn tập hàng năm với hàng chục nghìn binh sĩ Hàn Quốc.

Chuyên gia Harry Kazianis, Giám đốc phụ trách nghiên cứu Triều Tiên của Trung tâm Lợi ích quốc gia Mỹ, cho rằng hiển nhiên Triều Tiên không hài lòng với kế hoạch tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc. Vì vậy, việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo trên thực tế có thể dự đoán được và không gây ngạc nhiên. Còn nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc Hong Min cho rằng các vụ phóng tên lửa mới này của Triều Tiên nên được hiểu là một phần trong kế hoạch lớn hơn của chương trình tên lửa tiên tiến Triều Tiên, chứ không chỉ là sự phản đối của Bình Nhưỡng đối với cuộc tập trận Mỹ - Hàn sắp tới.

Trong khi đó, cựu đặc phái viên hạt nhân Hàn Quốc Kim Hong-kyun cho rằng, việc phóng các tên lửa trong bối cảnh các mâu thuẫn về kế hoạch tập trận và Triều Tiên công bố loại tàu ngầm mới, cho thấy Bình Nhưỡng đang gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng sẽ không có cuộc làm việc cấp chuyên viên nào diễn ra nếu Mỹ không thể hiện một lập trường cởi mở hơn.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giám sát vụ thử tên lửa. Ảnh: KCNA

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giám sát vụ thử tên lửa. Ảnh: KCNA

Mỹ và các nước vẫn hy vọng sớm nối lại đàm phán với Triều Tiên

Việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn liên tiếp trong vòng một tuần đã khiến dư luận đang dấy lên nghi ngờ về triển vọng đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên. Trong một thông báo ngày 31.7, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" rằng việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn có thể cản trở các nỗ lực đem lại hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên. Song Hàn Quốc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục các nỗ lực ngoại giao nhằm nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên hiện đang đình trệ.

Trên thực tế, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên đã bị đình trệ từ tháng 2 vừa qua, do còn nhiều bất đồng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai. Mặc dù vậy, một cuộc gặp bất ngờ giữa Tổng thống Mỹ Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã diễn ra ở Khu Phi quân sự (DMZ) tại làng đình chiến Panmunjom thuộc biên giới liên Triều hồi cuối tháng 6. Sau cuộc gặp này, hy vọng tháo gỡ bế tắc trong đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng được mở ra khi hai nhà lãnh đạo nhất trí nối lại cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa ở cấp chuyên viên trong một vài tuần tới. Như vậy, có thế thấy, cho dù còn nhiều bất đồng thì việc nói lại đàm phán vẫn là hy vọng của các bên liên quan.

Về phía Mỹ, nước này đã điều chỉnh chương trình tập trận với Hàn Quốc nhằm duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu cũng như thể hiện sự ủng hộ nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên. Trong bối cảnh Triều Tiên bắn 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía Đông nước này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vẫn bày tỏ hy vọng rằng các cuộc đối thoại hạt nhân giữa nước này và Triều Tiên sẽ sớm được nối lại. Ngoại trưởng Mỹ cho biết, một số công việc sơ bộ cho vòng đàm phán mới đã được thực hiện. Tuy nhiên, thời điểm diễn ra đàm phán chưa ấn định cụ thể. Theo đánh giá của ông Pompeo, động thái của Bình Nhưỡng là một chiến thuật nhằm thúc đẩy sự tiến triển của các cuộc đối thoại đang bế tắc.

Từ Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định, vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới nhất của Triều Tiên không đi vào vùng đặc quyền kinh tế hay lãnh hải của Nhật Bản đồng thời vụ phóng này không ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh Nhật Bản song Bình Nhưỡng đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Thủ tướng Abe nêu rõ, Tokyo đang phối hợp với các nước đồng minh liên quan tình hình trong khu vực. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga thì khẳng định nước này vẫn tìm kiếm cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên mà không kèm điều kiện tiên quyết, bất chấp việc Bình Nhưỡng lại phóng thử tên lửa ra vùng Biển Nhật Bản.

Trong khi đó, phát biểu trong buổi họp báo thường kỳ tại thủ đô Bắc Kinh nhằm phản ứng với vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, nước này hy vọng Mỹ và Triều Tiên sẽ tiến hành các nỗ lực tích cực để thúc đẩy phi hạt nhân hóa cũng như đạt được hòa bình và ổn định lâu dài.

Theo TTXVN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/binh-luan/trieu-tien-muon-gi-sau-khi-lien-tiep-phong-ten-lua-113600