Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo nhằm mục đích gì?

Một số nhà quan sát nhận định rằng vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên có vẻ nhằm gia tăng áp lực trước các cuộc đàm phán với Mỹ để giành lợi thế. Có người lại cho rằng đây là cách Bình Nhưỡng bày tỏ sự không hài lòng với Seoul khi 'khoe' các vũ khí công nghệ cao vào Ngày Quân lực diễn ra hôm thứ Ba.

Hình ảnh về vụ thử tên lửa do KCNA đăng tải Ảnh: KCNA/Reuters

Hình ảnh về vụ thử tên lửa do KCNA đăng tải Ảnh: KCNA/Reuters

Triều Tiên hôm qua xác nhận họ đã bắn thử thành công một loại tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm (SLBM), trước các vòng đàm phán mới với Mỹ về vấn đề hạt nhân.

Đây là vụ thử vũ khí thứ 11 trong năm nay nhưng là vụ thử vũ khí gây hấn nhất của Triều Tiên kể từ khi họ bắt đầu các cuộc đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân của mình hồi năm 2018.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gửi lời “chúc mừng nồng nhiệt” các nhà khoa học quân sự tiến hành vụ thử nghiệm, theo tin của KCNA, hãng tin chính thức Triều Tiên. Điều này cho thấy ông Kim đã không có mặt tại hiện trường như một số lần trước.

Loại SLBM mới có tên Pukguksong-3, theo hãng tin Triều Tiên, được bắn đi ngoài khơi thành phố Wonsan, phía đông Triều Tiên.

Triều Tiên bắn quả tên lửa chỉ vài giờ sau khi họ tuyên bố sẽ tái khởi động các vòng đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân của nước này thông qua các cấp làm việc bắt đầu từ ngày 5/10.

Một ngày sau vụ thử tên lửa, hôm qua, nhà đàm phán hạt nhân chủ chốt của Triều Tiên là Kim Myong Gil đã tới sân bay Bắc Kinh cùng với một số quan chức Triều Tiên khác, đặt vé đi Thụy Điển, Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời quan chức sân bay cho hay.

“Chúng tôi đi để tham gia các cuộc thương lượng Mỹ-Triều ở cấp làm việc”, nhà thương thuyết họ Kim nói với các phóng viên ở Bắc Kinh, theo Yonhap. “Đã có những tín hiệu mới từ phía Mỹ, vì vậy chúng tôi rất lạc quan về kết quả các cuộc gặp”.

Tên lửa có năng lực hạt nhân

Tên lửa Pukguksong-3 có vẻ là một thiết kế mới gia tăng tầm bắn và độ ổn định so với phiên bản được thử nghiệm năm 2016, ba nhà phân tích nói với Reuters.

Việc nhà lãnh đạo Kim Jong Un không có mặt tại hiện trường vụ thử nghiệm là “cực kỳ khác thường”, theo nhận định của Kim Dong-yub, chuyên gia quân sự thuộc Viện nghiên cứu Viễn đông thuộc Đại học Kyungnam ở Seoul. Theo chuyên gia Kim, có thể nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn tránh gây đổ vỡ các cuộc đàm phán sắp tới ngay khi chúng chưa kịp bắt đầu.

Phiên bản mới nhất của loại tên lửa Pukguksong có thể là vũ khí có tầm bắn lớn nhất của Triều Tiên sử dụng nhiên liệu rắn và là tên lửa có năng lực hạt nhân đầu tiên được mang ra thử nghiệm kể từ tháng 11/2017, chuyên gia Ankit Panda thuộc Liên đoàn Khoa học gia Mỹ nhận định.

Triều Tiên đã phát triển động cơ tên lửa dùng nhiên liệu rắn, có ưu thế trong quân sự hơn so với nhiên liệu lỏng bởi vì độ ổn định cao hơn, đa năng hơn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thường hạ thấp tầm quan trọng của các vụ thử vũ khí tầm ngắn của Triều Tiên, nói rằng như thế là Chủ tịch Kim vẫn giữ cam kết giữa hai ông tại Singapore hồi tháng 6/2018. Ông Trump chưa đưa ra bình luận về vụ thử với loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn được nói lên tới 1.300km lần này của Triều Tiên.

Yonhap dẫn lời một số nhà quan sát nhận định rằng vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên có vẻ nhằm gia tăng áp lực trước các cuộc đàm phán với Mỹ để giành lợi thế. Một số lại cho rằng đây là cách Bình Nhưỡng bày tỏ sự không hài lòng với Seoul khi “khoe” các vũ khí công nghệ cao vào Ngày Quân lực diễn ra hôm thứ Ba.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/trieu-tien-thu-ten-lua-dan-dao-nham-muc-dich-gi-1471211.tpo