Triều Tiên: Thứ trưởng Bộ Công an thăm Nga, các căn cứ tên lửa đạn đạo thay đổi thế nào qua 5 năm?
Thứ trưởng Bộ Công an Triều Tiên Ri Song-chol lên đường thăm Nga, trong bối cảnh hai nước tăng cường hợp tác sau hội nghị thượng đỉnh song phương năm ngoái.
Ngày 11/6, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, trước đó một ngày, phái đoàn nước này do ông Ri Song-chol dẫn đầu đã rời Bình Nhưỡng để thăm Nga, ngoài ra không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Trong khi đó, trên Telegram, Đại sứ quán Nga tại Bình Nhưỡng cho hay, quan chức Triều Tiên có kế hoạch gặp Bộ trưởng Nội vụ Nga Vladimir Kolokoltsev và thảo luận "các vấn đề hợp tác cơ bản".
Hai bên cũng sẽ trao đổi cách thức hợp tác ở "lĩnh vực thực thi pháp luật" trong tình huống cần thiết để đảm bảo sự ổn định chính trị và xã hội trước "những thách thức mới" như của Nga, tuy nhiên không cho biết đó là những thách thức nào.
Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh có thông tin cho hay, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Triều Tiên vào những tuần tới.
Trong một diễn biến khác liên quan quốc gia Đông Bắc Á, ngày 10/6, Beyond Parallel, một bộ phận thành lập theo dự án của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, đã công bố bản phân tích những thay đổi tại phần lớn các căn cứ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên 5 năm qua.
Các căn cứ này nằm trong số khoảng 15-20 căn cứ vận hành tên lửa đạn đạo chưa từng được Bình Nhưỡng công bố.
Bản phân tích cho biết: "Thời gian và tính chất của những sự thay đổi này tại nhiều căn cứ vận hành tên lửa đạn đạo cho thấy chúng là một phần trong những nỗ lực không ngừng của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nhằm nâng cao vị thế của Lực lượng chiến lược và cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng này".
Theo Beyond Parallel, các căn cứ trên của Triều Tiên đã có nhiều thay đổi, tập trung vào việc thay thế khu nhà ở cũ kĩ và cải thiện nguồn cung cấp lương thực. Việc này cho thấy nỗ lực chung nhằm tiếp tục cải thiện chất lượng cuộc sống và tinh thần của quân nhân thuộc Lực lượng chiến lược cũng như gia đình họ.
Trong số các căn cứ được đề cập có Căn cứ vận hành tên lửa Hoejung-ni, nằm cách Khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai miền Triều Tiên 338 km về phía Bắc. Căn cứ này cùng với một số đơn vị tên lửa khác ở phía Bắc hình thành "vành đai tên lửa đạn đạo ở hậu phương" của Bình Nhưỡng.