Triều Tiên, Trung hay Nga mới là bên thắng cuộc trong căng thẳng Mỹ-Hàn leo thang?
Những căng thẳng leo thang giữa hai nước láng giềng Bắc Á đang đem lại nhiều lợi thế cho các đối thủ truyền thống của Mỹ.
Hôm thứ năm (22/8), Hàn Quốc tuyên bố từ bỏ hiệp định chia sẻ tình báo quân sự với Nhật Bản trong vài tháng tới. Đây là động thái mới nhất trong những căng thẳng đang ngày càng leo thang giữa hai nước láng giềng.
Tuy nhiên, theo CNN, quyết định chấm dứt hiệp định là một cú đánh mạnh tới liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Không chỉ góp phần vào quá trình kiến tạo hòa bình tại Đông Bắc Á trong nhiều thập kỷ qua, liên minh này còn giúp đối phó với ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Giới chuyên gia nhận định, tình huống hiện tại là một ví dụ khác về chứng tỏ, thái độ "thờ ơ" của Tổng thống Donald Trump với các liên minh truyền thống đã mở ra cơ hội cho các đối thủ của Washington làm xói mòn những quan hệ trên. Đầu năm nay, căng thẳng giữa Tokyo và Seoul liên về một loạt các đụng độ quân sự cũng đã làm dấy lên những chỉ trích tương tự.
CNN nhận xét, Trung Quốc và Triều Tiên từ lâu đã tìm cách thu hẹp hiện diện quân sự của Mỹ tại Đông Bắc Á thông qua những hành động gây rạn nứt mối quan hệ giữa Washington, Seoul và Tokyo.
Mắt xích yếu nhất trong mối quan hệ tam giác này là giữa Seoul và Tokyo – hai láng giềng từng mất niềm tin nghiêm trọng vào nhau do những tàn dư lịch sử. Giới phê bình chính sách đông bắc Á của chính quyền Trump cáo buộc Tổng thống Mỹ đã cố tình bỏ qua vai trò truyền thống của Washington trong những nỗ lực trung gian giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.
"Mỹ là một điểm chung giữa hai liên minh song phương và nó kém hiệu quả hơn nhiều trong việc lưu chuyển thông tin theo cả hai hướng", tướng nghỉ hưu Vincent Brooks, người từng chỉ huy Lực lượng kết hợp Mỹ - Hàn đánh giá.
Ảnh hưởng như thế nào?
Về cơ bản, chấm dứt hiệp định chia sẻ tình báo sẽ khiến mọi thứ chậm lại. Ví dụ như khi Triều Tiên phóng thử một tên lửa tầm ngắn khác – giống như những gì họ đã làm khá thường xuyên trong những tuần gần đây. Dữ liệu tình báo Hàn Quốc có được về vụ thử như tốc độ, quãng đường di chuyển của tên lửa…, có thể hé lộ những chi tiết quan trọng về loại vũ khí. Những kết luận này góp phần giúp Tokyo và Washington chính sửa lại hệ thống phòng thủ để chuẩn bị đối phó với trường hợp xấu nhất.
Ông Abraham Denmark, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại Đông Á cho hay, với tình trạng hiện tại, Mỹ sẽ bị buộc phải đảm nhận vai trò người trung gian.
"Nó sẽ làm chậm quá trình ra quyết định, khiến mọi việc thường ngày khó khăn và sẽ đem tới ảnh hưởng nghiêm trọng trong một cuộc khủng hoảng diễn biến nhanh", ông Denmark cảnh báo.
Cùng lúc, căng thẳng Nhật – Hàn cũng đem lại lợi thế cho Trung Quốc. Tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh và Tokyo vẫn chưa thể dàn xếp trong khi việc Seoul triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD cũng vấp phải phản đối từ quốc gia đông dân nhất thế giới.
Sự tiến bộ trông thấy của quân đội Bắc Kinh trong thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho giới chức Mỹ về tham vọng trở thành "một cường quốc ưu việt tại Ấn Độ - Thái Bình Dương" của Trung Quốc.
Để đối phó với tham vọng trên, Mỹ cần gia tăng hợp tác với và giữa các đối tác phòng thủ châu Á. Hôm thứ Sáu (23/8), Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Takeshi Iwaya tuyên bố, động thái của Hàn Quốc thể hiện "sự hiểu lầm" đối với tình hình an ninh hiện tại trong khu vực. "Điều đó cực kỳ đáng tiếc và đáng thất vọng", ông Iwaya nói.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng bày tỏ sự không hài lòng với Seoul, đồng thời hy vọng, Hàn Quốc và Nhật Bản "có thể bắt đầu đưa mối quan hệ quay trở lại vị trí đúng đắn".
Bất chấp những bất đồng liên quan tới lịch sử, mối quan hệ quân sự giữa Tokyo và Seoul hầu như không bị ảnh hưởng. Một trong những nhiệm vụ truyền thống của Washington được coi là đưa hai nước ngồi chung bàn, giải quyết vấn đề và chỉ ra cho họ những lợi thế của việc đoàn kết khi đối mặt với Bắc Kinh hoặc Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump dường như không quá nhiệt tình với vai trò trên. Ông công khai đặt câu hỏi về giá trị Mỹ nhận được khi đầu tư quá nhiều tiền vào mạng lưới đồng minh trong khu vực, đồng thời yêu cầu cả Hàn Quốc và Nhật Bản bỏ thêm tiền của và công sức hơn nữa trong quan hệ đối tác quân sự với Washington.
Một số chuyên gia nhận định, các đối thủ của Mỹ như Triều Tiên, Trung Quốc thậm chí là Nga gần như chắc chắn đã cảm thấy khe hở. "Đây là một lợi ích cho những ai muốn nhìn thấy sức mạnh của Mỹ tại châu Á giảm sút và các liên minh của họ yếu đi – đặc biệt là Trung Quốc và Triều Tiên", ông Denmark cảnh báo. "Cả hai đều coi Mỹ là đối thủ chủ yếu và các liên minh của Mỹ là những chướng ngại vật chính cho các mục tiêu chiến lược của họ. Bất đồng giữa các đồng minh của Mỹ - đặc biệt là những nước quan trọng như Nhật Bản và Hàn Quốc – không chỉ được coi là một thách thức cho chiến lược mà còn là một biểu tượng về sự thu hẹp quyền lực của Mỹ tại châu Á".