Triều Tiên tuyên bố không cần đàm phán với Mỹ
Theo Roi-tơ, ngày 4-7, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên cho rằng nước này không cần đàm phán với Mỹ, điều mà sẽ không khác hơn gì 'công cụ chính trị' đối với Oa-sinh-tơn. Theo quan chức ngoại giao Triều Tiên, các cuộc đàm phán sẽ không diễn ra giữa Oa-sinh-tơn và Bình Nhưỡng và không có thay đổi trong chính sách của Triều Tiên.
Theo Roi-tơ, ngày 4-7, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên cho rằng nước này không cần đàm phán với Mỹ, điều mà sẽ không khác hơn gì “công cụ chính trị” đối với Oa-sinh-tơn. Theo quan chức ngoại giao Triều Tiên, các cuộc đàm phán sẽ không diễn ra giữa Oa-sinh-tơn và Bình Nhưỡng và không có thay đổi trong chính sách của Triều Tiên.
Ngày 3-7, một quan chức Hàn Quốc cho biết, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ X.Bi-e-găn, người đứng đầu các cuộc đàm phán với Triều Tiên, dự kiến sẽ đến Hàn Quốc tuần tới để thảo luận về các cuộc đàm phán bị đình trệ với Bình Nhưỡng, trong nỗ lực thúc đẩy nối lại các cuộc đàm phán Mỹ - Triều Tiên trước cuộc bầu cử ở Mỹ. Thứ trưởng X.Bi-e-găn cho biết, đã đến lúc cả hai bên phải nối lại các cuộc đàm phán, nhưng đại dịch Covid-19 sẽ khiến khó có thể diễn ra một hội nghị cấp cao trước thềm cuộc bầu cử ở Mỹ. Tổng thống Hàn Quốc từng tuyên bố, Tổng thống Mỹ Ð.Trăm và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Un sẽ gặp lại nhau trước cuộc bầu cử ở Mỹ vào tháng 11 tới.
Cùng ngày Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In công bố loạt quyết định bổ nhiệm mới trong đội ngũ lãnh đạo ngoại giao và an ninh của chính phủ. Theo đó, nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền, ông Li In I-âng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thống nhất mới của Hàn Quốc, trong khi ông Xu Hun, người đứng đầu Cơ quan Tình báo quốc gia (NIS) làm Giám đốc An ninh quốc gia. Những điều chỉnh diễn ra sau khi nhiều quan chức Hàn Quốc đệ đơn từ chức vì liên quan trách nhiệm trong mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.
Các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu Hàn Quốc đã thảo luận về vấn đề Triều Tiên và nhất trí tiếp tục nỗ lực ngăn chặn căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Các quan chức Hàn Quốc cũng kiểm tra tiến độ quá trình đàm phán, vốn bị kéo dài, với chính quyền của Tổng thống Mỹ Ð.Trăm về chia sẻ chi phí quốc phòng cho 28.500 quân nhân Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc, nhằm sớm đạt được một thỏa thuận.