Trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu trong quý III

Bộ Công Thương cho biết, sẽ sớm trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu trong quý III/2024.

Bộ Công Thương vừa ban hành Văn bản số 5315/BCT-KHTC về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Thị trường trong nước; Vụ Dầu khí và Than chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo cung ứng điện, xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; kiên quyết không để thiếu điện, thiếu xăng dầu trong mọi tình huống; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; báo cáo, làm rõ các nội dung về xây dựng Nghị định quy định cơ chế phát triển dự án nhà máy điện khí sử dụng khí thiên nhiên theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Tiếp tục đẩy nhanh thủ tục liên quan để di dời các đường điện cao thế đáp ứng tiến độ thi công các dự án đường bộ cao tốc.

 Trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế về kinh doanh xăng dầu trong quý III/2024.

Trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế về kinh doanh xăng dầu trong quý III/2024.

Đặc biệt, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu trong quý III/2024.

Trước đó, hồi giữa tháng 7, Bộ Công Thương đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ dự thảo lần 3 Nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Trong dự thảo lần này, Bộ Công Thương giữ vẫn quan điểm như tại bản thảo hồi tháng 4, là Nhà nước sẽ không điều hành giá bán lẻ nhiên liệu trong nước. Thay vào đó, doanh nghiệp (đầu mối, phân phối) tự tính, quyết giá bán lẻ trên cơ sở các yếu tố do Nhà nước công bố.

Việc thay đổi này, theo Bộ Công Thương xuất phát từ thực tế cơ chế điều hành giá hiện nay chưa đảm bảo theo cơ chế thị trường, phải qua quá nhiều bước.

Theo quy định hiện hành là Bộ Tài chính hướng dẫn cách xác định các yếu tố cấu thành giá cơ sở, điều chỉnh các khoản chi phí, lợi nhuận định mức dựa trên báo cáo của doanh nghiệp đầu mối, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền hàng quý. Sau đó, Bộ Tài chính thông báo cho Bộ Công Thương để tính giá cơ sở bán lẻ. Giá này được công bố 7 ngày một lần, là mức trần để các doanh nghiệp xác định giá bán trong hệ thống. Ví dụ, kỳ điều hành ngày 11/7, Nhà nước công bố RON 95 -III tối đa 23.294 đồng một lít, thì doanh nghiệp chỉ được bán ra bằng hoặc thấp hơn mức này.

Khác dự thảo đưa ra trước đây, lần này Bộ Công Thương không đề xuất mức cụ thể với chi phí kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức doanh nghiệp được cộng vào giá bán lẻ (1.800-2.000 đồng một lít hoặc 4-20%). Thay vào đó, nhà chức trách sẽ công bố định mức gốc ban đầu của chi phí lưu thông, rà soát 3 năm một lần. Sau đó, doanh nghiệp tính toán, điều chỉnh các chi phí này hằng năm theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Còn lợi nhuận định mức vẫn cố định ở 300 đồng một lít, kg xăng dầu.

Các khoản chi phí khác như vận tải, bảo hiểm, hao hụt, bốc dỡ... được cơ quan quản lý đưa ra 3 tháng một lần, trước ngày 20 của tháng thứ 3, trừ khi biến động bất thường cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền. Doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải gửi báo cáo đã kiểm toán độc lập về số liệu các khoản chi phí này của 3 tháng trước đó lên Bộ Công Thương.

Trở lại với nội dung trong Văn bản số 5315, Bộ Công Thương cho biết, sẽ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các cơ quan, địa phương liên quan kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia, trong đó hoàn thành công tác kiểm tra, nghiệm thu và tổ chức khánh thành dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) trong tháng 7/2024; khẩn trương hoàn thành trong thời gian sớm nhất các dự án truyền tải phục vụ nhập khẩu điện từ Lào như Trạm cắt Đắk Oóc, đường dây 200 kV Nậm Sum - Nông Cống, đường dây 500kV Monsoon - Thạch Mỹ...

Cũng tại văn bản này, Bộ yêu cầu các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết, nhất là đối với các luật, nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/7 và từ ngày 1/8, các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

"Tập trung rà soát, đề xuất phương án xử lý các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, tháo gỡ dứt điểm khó khăn, vướng mắc; khẩn trương triển khai hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng làm Trưởng Ban", Bộ Công Thương nêu rõ.

H.A

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/trinh-chinh-phu-du-thao-nghi-dinh-thay-the-cac-nghi-dinh-ve-kinh-doanh-xang-dau-trong-quy-iii-90851.html