Trình cơ chế, chính sách mới cho TPHCM vào kỳ họp Quốc hội tháng 5/2023
Quá trình chuẩn bị các cơ chế, chính sách đặc thù phải đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao trong Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân TP, sự ủng hộ của các bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội.
3 nhóm chính sách chính
Chiều nay, 19/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi làm việc của Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM để nghe báo cáo bước đầu về Đề án Xây dựng dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TPHCM (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội).
Buổi làm việc cho thấy sự tiếp tục phát huy cách làm chủ động, từ sớm, từ xa với tinh thần tích cực, khẩn trương. Mặc dù Chính phủ chưa hoàn thiện hồ sơ, tờ trình chính thức song theo Chủ tịch Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội đã giao Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan chủ động nghiên cứu sớm, nghiên cứu trước về nội dung này.
Lưu ý dự kiến các nội dung chính sách đề xuất xem xét là rất nhiều, phạm vi chính sách rộng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề đặt ra là làm thế nào để hiệu quả cao nhất.
Tại lần trình này, TPHCM tập trung đề xuất 3 nhóm chính sách. Cụ thể, nhóm 1 là những chính sách đã có và đã triển khai theo Nghị quyết 54/2017/QH14 mà qua tổng kết thấy có tác dụng tốt đề xuất tiếp tục được triển khai thực hiện. Nhóm 2 là một số chính sách không có trong Nghị quyết 54/2017/QH14 nhưng gần đây, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định cho thí điểm thực hiện ở một số địa phương. Nhóm 3 là những cơ chế, chính sách mới mà trong luật chưa có quy định hoặc pháp luật có quy định khác do đó cần thí điểm.
Đối với nhóm chính sách mới, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, điều quan trọng là làm rõ sự cần thiết và đánh giá tác động. Ông đề nghị đại diện Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM báo cáo làm rõ quá trình nghiên cứu, cách thức nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu đề xuất chính sách. Các bộ ngành làm rõ quan điểm của mình theo từng lĩnh vực phạm vi phụ trách.
Giải quyết các “điểm nghẽn”
Báo cáo tóm tắt việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TPHCM, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14, TPHCM đã ghi nhận một số kết quả.
Tuy nhiên, ông Mãi nhìn nhận, về cơ bản việc tổ chức thực hiện chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhất là cơ chế chính sách để TP có thể huy động được nguồn lực, mà dư địa còn rất lớn cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Mặt khác, thời gian để thực hiện các cơ chế chính sách do Nghị quyết 54/2017/QH14 là chưa đủ để đánh giá toàn diện về hiệu quả do các chính sách đem lại.
Để cập đến tính cần thiết phải có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14, ông Mãi khẳng định, việc này sẽ tạo điều kiện cho TPHCM khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển trở lại.
“Việc ban hành cơ chế đặc thù cho TPHCM phát huy vai trò, tiềm năng và gắn trách nhiệm của TPHCM đối với cả nước” – ông Mãi nhìn nhận.
Vẫn theo Chủ tịch UBND TPHCM, TP xác mục đích, quan điểm xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 nhằm tập trung giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư; tăng cường phân cấp, phân quyền cho TP đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Trung ương, tạo cơ chế để TP thực hiện linh hoạt việc phân cấp, phân quyền và ủy quyền trong nội bộ TP tương xứng với yêu cầu và khối lượng công việc được giao.
Nghị quyết mới cũng nhằm thiết lập các cơ chế để giải phóng các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là đầu tự nước ngoài và đầu tư tư nhân, tham gia vào phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, văn hóa, thể thao và du lịch của TP.
“Việc đề xuất các cơ chế, chính sách mới của TPHCM với tinh thần “dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung vì sự phát triển chung. Do đó, TP mong muốn trong quá trình xây dựng các cơ quan hữu quan cùng tham gia góp ý để có đề xuất các chính sách nhằm đáp ứng mục tiêu đề ra” - lãnh đạo chính quyền TPHCM bày tỏ.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu tại cuộc làm việc, hệ thống hóa lại các quan điểm lớn của Đảng đối với TP để tiếp tục cụ thể hóa và hoàn thiện Đề án, dự thảo Nghị quyết đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu đặt ra.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Đề án cần tập trung vào các nhóm chính sách lớn, có trọng tâm, trọng điểm và thực tế đang có nhiều vướng mắc, nhiều điểm nghẽn đối với sự phát triển của thành phố.
“Đương nhiên phải bảo đảm các nguyên tắc, quy định, quy trình thủ tục luật định, nhưng tinh thần chung là cố gắng ủng hộ tối đa để TPHCM phát triển, có các gói chính sách trọng tâm, trọng điểm, giải quyết các vấn đề lớn, tháo gỡ được những điểm nghẽn hiện nay” - Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu, Đề án phải bao gồm các vấn đề lớn, đem lại lợi ích trước mắt và lâu dài để tạo đột phá, kiến tạo sự phát triển mạnh mẽ của TP.
Đồng thời, quá trình chuẩn bị các cơ chế, chính sách đặc thù phải đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao trong Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân thành phố, sự ủng hộ của các bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội.
“Tuy là thí điểm nhưng quá trình xây dựng, thảo luận, xem xét, quyết định phải đạt được sự thống nhất cao, tạo khí thế khi triển khai thực hiện” – Chủ tịch Quốc hội nêu rõ và nhấn mạnh, mỗi chính sách đều phải làm rõ nội hàm, rõ về thẩm quyền và giới hạn quyền, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì không đưa vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.
Cùng với việc phân cấp, ủy quyền, theo Chủ tịch Quốc hội, phải xác định rõ các nguyên tắc chung, các “van, khóa” của Trung ương để bảo đảm các điều kiện cho TP thực hiện hiệu quả sự phân cấp, ủy quyền này; có các đề án triển khai cụ thể để bảo đảm đúng tính chất thực hiện thí điểm của từng cơ chế, chính sách, kiểm soát minh bạch để chính sách thí điểm không bị áp dụng tràn lan.
Nhất trí với các ý kiến tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, có thể trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết theo quy trình tại một kỳ họp, cố gắng phấn đấu trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm (tháng 5/2023).
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, trên cơ sở tổng kết thực hiện của TP, báo cáo của Chính phủ, Quốc hội đã xem xét báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 và thông qua Nghị quyết số 76/2022/QH15 ngày 15/11/2022, trong đó gia hạn cho TPHCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 đến hết 2023.
Quốc hội cũng giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 trong thời gian sớm nhất.