Trình Quốc hội đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương
Chiều 30/10, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình Quốc hội tờ trình tóm tắt Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.
Bộ trưởng Nội vụ cho biết, thành lập TP Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế.
TP Huế trực thuộc trung ương có 4.947,11 km2 và 1.236.393 người; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (2 quận, 3 thị xã, 4 huyện); có 133 đơn vị hành chính cấp xã (78 xã, 48 phường, 7 thị trấn).
Thừa Thiên Huế có bề dày lịch sử hình thành và phát triển gần 720 năm. Đây là vùng đất văn hiến, văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam, là nơi duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh (6 di sản riêng có của Huế).
Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên của Việt Nam có Di sản thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1993 và trở thành thành viên chính thức của các mạng lưới di sản quốc tế - đây chính là yếu tố, tiêu chuẩn đặc thù TP trực thuộc trung ương có tính chất “Đô thị di sản” đầu tiên của Việt Nam.
Thẩm tra tờ trình đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành việc trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập TP Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Về tên gọi, Ủy ban Pháp luật tán thành với đề xuất tên gọi “thành phố Huế trực thuộc trung ương”.
Trong quá trình thẩm tra, một số ý kiến đề nghị chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục quan tâm, có phương hướng, kế hoạch giải quyết các khó khăn, thách thức có thể phát sinh khi trở thành TP trực thuộc trung ương. Đó là, thay đổi mô hình tổ chức quản lý nhà nước gắn với việc tổ chức chính quyền đô thị; chuyển đổi cơ cấu xã hội - nghề nghiệp để giải quyết vấn đề việc làm cho người dân; vấn đề hình thành và nâng cao chất lượng đời sống đô thị...
Cũng trong chiều nay, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng.
Theo dự thảo nghị quyết, chính quyền địa phương ở TP Hải Phòng là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND TP và UBND TP. Còn chính quyền địa phương ở các quận, phường của TP Hải Phòng là UBND quận, phường (không có HĐND quận, phường).
Trong điều kiện không tổ chức HĐND quận, phường thì nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND TP tăng lên do được điều chuyển một số nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận, HĐND phường thuộc quận. Để bảo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND TP, dự thảo Nghị quyết quy định tăng 9 đại biểu chuyên trách so với hiện nay gồm 1 Phó Chủ tịch HĐND, 4 Phó Trưởng ban và 4 Ủy viên hoạt động chuyên trách thuộc các Ban của HĐND TP.
Về cơ cấu tổ chức của UBND quận, gồm: Chủ tịch UBND quận, Phó Chủ tịch UBND quận, Trưởng Công an quận, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, các cơ quan hành chính khác và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND quận.
Về cơ cấu tổ chức của UBND phường, gồm: Chủ tịch UBND phường, Phó Chủ tịch UBND phường, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự phường, Trưởng Công an phường, công chức khác làm việc tại UBND phường.
Số lượng Phó Chủ tịch UBND quận có không quá 3 người; số lượng Phó Chủ tịch UBND phường không quá 2 người.
Bộ trưởng Nội vụ cho biết, theo Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị đã định hướng huyện Thủy Nguyên thành thành phố trực thuộc thành phố.
Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập TP Thủy Nguyên thuộc TP Hải Phòng. TP được định hướng là trung tâm hành chính, chính trị mới của TP Hải Phòng; trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, trung tâm logistic tài chính của vùng duyên hải Bắc Bộ, là động lực phát triển của TP Hải Phòng và khu vực Bắc Bộ.