Trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM

Chính phủ đề xuất 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù trong các lĩnh vực, gồm: quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo...

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, sáng nay (26/5), Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã trình Quốc hội Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Tại tờ trình này, Chính phủ đề xuất 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù trong các lĩnh vực, gồm: quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TPHCM; tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh nghị quyết hướng đến xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế-xã hội của TP, góp phần xây dựng và phát triển TPHCM như mục tiêu đã đặt ra tại các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.

Cụ thể, về các cơ chế chính sách được kế thừa từ Nghị quyết số 54, thành phố được điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí.

Thành phố quyết định dự toán, phân bổ ngân sách phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế-xã hội và các lĩnh vực quan trọng; được bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương với mức không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách TP.

Thành phố được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách TP để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm; được áp dụng tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp.

Hội đồng nhân dân TP quyết định bố trí ngân sách TP để chi thu nhập bình quân tăng thêm với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ; bảo đảm không vượt mức tối đa 0,8 lần quỹ lương cơ bản.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình

Về các cơ chế, chính sách được quy định tại các nghị quyết đặc thù của các địa phương khác, TP chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phân cấp TP phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch; được quy định về các chính sách thu hút và giữ chân nguồn nhân lực cho khoa học công nghệ.

Đối với các cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo Luật đang trình Quốc hội cho ý kiến, TP xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất; bồi thường về đất; tiền thuê đất, sử dụng quỹ đất do nhà nước quản lý.

Dự thảo nghị quyết cũng đưa ra các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa gồm TP được sử dụng vốn đầu tư công của ngân sách TP ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam thực hiện cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm; áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông.

Chính phủ cũng đề xuất cho TPHCM được thành lập Sở An toàn thực phẩm có chức năng thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Dự thảo cũng quy định số lượng cấp phó của UBND TPHCM và UBND phường, xã, thị trấn; quy định việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường.

TPHCM cũng được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; quy định phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TPHCM cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức; quy định việc HĐND TPHCM thành lập một số ban, phòng ban, văn phòng thuộc TP Thủ Đức.

Thành phố cũng được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng; mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa…

Tán thành về sự cần thiết ban hành nghị quyết này, tại báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng cần chú trọng hơn nữa những chính sách thực sự đột phá, tạo bước chuyển mới trong khai thác tiềm năng của TPHCM.

Cho rằng các chính sách thu ngân sách (như thuế, phí…) còn khá mỏng, trong khi TP có đặc thù, lợi thế rất lớn trong khai thác nguồn thu, vì vậy Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị nghiên cứu, có chính sách thu khả thi, góp phần cân đối nguồn lực cho những chính sách chi ngân sách.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra

Trong số cơ chế trình lần này, Chính phủ cũng đề xuất cho TPHCM sử dụng mái nhà các trụ sở là tài sản công trên địa bàn để đặt hệ thống điện mặt trời; bổ sung quy định miễn, giảm thuế thu nhập đối với cá nhân, doanh nghiệp hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của TPHCM.

Các cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực sản xuất chip, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, vật liệu mới… cũng được đặt ra.

Đánh giá chung, cơ quan thẩm tra nhận định, dự thảo nghị quyết mới đã bảo đảm tính kế thừa Nghị quyết 54, tích hợp một số chính sách tương đồng với các địa phương có cơ chế đặc thù.

“Thực hiện thành công các chính sách trong dự thảo sẽ tạo tiền đề quan trọng cho bước phát triển mới” - ông Lê Quang Mạnh nhìn nhận.

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, để nghị quyết của Đảng về phát triển TPHCM sớm đi vào cuộc sống, cơ quan thẩm tra khẳng định, dự thảo nghị quyết này có thể trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5.

“Việc ban hành nghị quyết cần thực sự mang tính lan tỏa, tác động sâu rộng không chỉ đối với TPHCM, mà cần mang lại hiệu ứng tích cực đối với vùng miền và đất nước, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương” – báo cáo của cơ quan thẩm tra nêu.

Đi đôi với tăng cường phân cấp, phân quyền, cơ quan này cho rằng, cần đề cao trách nhiệm; đồng thời rất cần một cơ chế bảo vệ, khuyến khích người nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Hiện nay, Bộ Nội vụ được giao xây dựng Đề án triển khai thực hiện Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, chọn TPHCM làm thí điểm.

Liên quan đến quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, pháp luật hiện hành quy định dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội. Tại tờ trình này, Chính phủ đề xuất TPHCM không nhất thiết áp theo quy định này mà có thể quyết định linh hoạt trong việc quy hoạch bố trí nhà ở xã hội phù hợp thực tiễn.

Để tạo tính chủ động, Ủy ban Tài chính – Ngân sách tán thành thí điểm giao TP linh hoạt trong bố trí nhà ở xã hội, song cần quy định rõ nghĩa vụ của các chủ đầu tư trong xây dựng nhà ở xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Năm 2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM với nhiều cơ chế đặc thù cho TP nhằm tạo động lực mới để TP phát triển bứt phá.

Sau 4 năm thực hiện, TP chưa nhận được kết quả như mong đợi từ Nghị quyết do nhiều vướng mắc, trong đó hầu hết chính sách đặc thù về quản lý tài chính nhằm tăng nguồn thu như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nguồn thu từ đấu giá tài sản công chưa thể thực hiện...

Hải Triều

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/de-xuat-cho-tphcm-thanh-lap-so-an-toan-thuc-pham_147559.html