Trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự án Luật Tình trạng khẩn cấp
Mặc dù Việt Nam chưa từng ban bố Tình trạng khẩn cấp, nhưng quá trình chống dịch COVID-19 đã mang lại nhiều bài học kinh nghiệm, đồng thời cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập.
Chiều 27/5, tại Kỳ họp thứ 9, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Tình trạng khẩn cấp, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, việc ban hành Luật để hoàn thiện hành lang pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Theo Tờ trình, Việt Nam là một trong 05 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu. Ước tính trong 20 năm qua, các loại hình sự cố, thiên tai như bão, lũ... làm gần 20.000 người chết và mất tích, thiệt hại hơn 6,4 tỷ USD. Bên cạnh đó, sự khai thác vượt quá tiềm năng kinh tế - xã hội trên các vùng miền của đất nước đã làm nảy sinh các vấn đề, tiềm ẩn nguy cơ đối với môi trường và sự an toàn của người dân. Dịch bệnh nguy hiểm xảy ra thường xuyên với mức độ cao hơn. Các thế lực thù địch, phản động không ngừng chống phá Đảng, Nhà nước ta. Vì vậy, phải thường xuyên củng cố, hoàn thiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó trong các tình huống khẩn cấp để bảo vệ Nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ đất nước.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Đại tướng Phan Văn Giang cũng cho biết, kể từ khi có Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp (TTKC) và một số luật chuyên ngành có quy định về TTKC, Việt Nam chưa từng ban bố TTKC; ngay trong giai đoạn chống dịch COVID-19, mặc dù chưa ban bố TTKC nhưng một số biện pháp tương tự như biện pháp của TTKC được áp dụng để ứng phó với dịch. Quá trình chống dịch COVID-19 đã mang lại nhiều bài học kinh nghiệm, đồng thời cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện pháp luật về TTKC.
Về phạm vi điều chỉnh, Luật TTKC quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban bố, công bố, bãi bỏ TTKC; các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp; tổ chức thi hành Nghị quyết ban bố, Lệnh công bố tình trạng khẩn cấp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tình trạng khẩn cấp.
Luật TTKC áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, công dân nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Một trong những điểm nổi bật của dự thảo Luật là quy định về các biện pháp được áp dụng trong TTKC khi có thảm họa, khi có dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước, trong TTKC về an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, trong TTKC về quốc phòng; các biện pháp khắc phục hậu quả của TTKC; thống kê, đánh giá thiệt hại; huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ; cứu trợ, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ quyết định ban bố TTKC trong cả nước hoặc ở từng địa phương theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ vào Nghị quyết của UBTVQH, Chủ tịch nước công bố TTKC trong cả nước hoặc ở từng địa phương. Trong trường hợp UBTVQH không họp ngay được, Chủ tịch nước công bố TTKC theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Nghị quyết của UBTVQH hoặc lệnh của Chủ tịch nước về TTKC phải được công bố ngay trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi ban bố TTKC để người dân biết, thực hiện.

Quốc hội nghe Tờ trình dự án Luật Tình trạng khẩn cấp
Lực lượng Quân đội, Công an, Dân quân tự vệ và những người thuộc các Đội tuần tra đặc biệt được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ; Lực lượng được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ được sử dụng trong các trường hợp như ngăn chặn, tạm giữ người có hành vi đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành nhiệm vụ trong TTKC hoặc người khác; người có hành vi xâm phạm tài sản của Nhà nước, tổ chức hoặc của cá nhân;
Ngăn chặn, tạm giữ người phạm tội; ngăn chặn, bắt giữ người đang gây rối trật tự công cộng hoặc vi phạm quy định về TTKC; giải tán các vụ tụ tập, biểu tình; ngăn chặn, tạm giữ người có hành vi gây bạo loạn, phá hoại, phá trại giam, đánh tháo phạm nhân, cướp vũ khí, tấn công mục tiêu hoặc đối tượng được bảo vệ; ngăn chặn, tạm giữ người dùng vũ lực, cản trở người thi hành nhiệm vụ trong TTKC; những trường hợp khác mà pháp luật quy định được phép sử dụng, công cụ hỗ trợ vũ khí.
Dự thảo Luật cũng quy định, cá nhân chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình; trong điều kiện có thể tham gia hỗ trợ cộng đồng, giúp đỡ người bị thiệt hại trong TTKC tại địa phương; thực hiện vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong khu vực sinh sống và làm việc; thực hiện các biện pháp ứng phó với thảm họa theo kế hoạch của địa phương; chấp hành hướng dẫn, yêu cầu của cơ quan, người có thể quyền về sơ tán người,
Cơ quan, tổ chức, người thi hành các biện pháp trong TTKC phải chấp hành nghiêm các quy định của Luật này, Nghị quyết hoặc Lệnh ban bố TTKC và tuyệt đối phục tùng chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên; người thi hành các biện pháp trong TTKC phải đeo phù hiệu thống nhất để dễ nhận biết (mẫu phù hiệu do Thủ tướng Chính phủ quy định).