Trình Quốc hội xem xét quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộc đối với công chứng viên

Sáng 15-11, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Phiên thảo luận sáng 15-11. Ảnh: media.quochoi.vn

Phiên thảo luận sáng 15-11. Ảnh: media.quochoi.vn

Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Về quy định các giao dịch phải công chứng, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, quy định tiêu chí về giao dịch phải công chứng như dự thảo Luật là phù hợp vì Luật Công chứng là luật hình thức, không nên quy định cụ thể các giao dịch phải công chứng trong Luật, tránh trùng lặp với quy định của pháp luật chuyên ngành.

Tuy nhiên, Luật cần quy định tiêu chí chung để tránh việc mỗi văn bản pháp luật chuyên ngành xác định giao dịch phải công chứng theo các tiêu chí khác nhau, dẫn đến thiếu thống nhất hoặc có thể bị lạm dụng, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định tiêu chí xác định giao dịch bắt buộc phải công chứng căn cứ các yếu tố: Tính chất quan trọng, mức độ đòi hỏi an toàn pháp lý của giao dịch và thẩm quyền quy định giao dịch phải công chứng. Khi soạn thảo, thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật có quy định liên quan đến giao dịch dân sự, kinh tế, các chủ thể có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật sẽ xem xét, đánh giá sự phù hợp với tiêu chí của giao dịch dự kiến quy định phải công chứng; bảo đảm việc thực hiện thống nhất.

Dù vậy, nếu tại tiêu chí này quy định cứng chỉ luật mới được quy định giao dịch phải công chứng như đề xuất của Chính phủ thì không bảo đảm sự linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, không bảo đảm tính ổn định của luật, nhất là trong điều kiện khoa học, công nghệ phát triển nhanh hiện nay, nhiều giao dịch kinh tế, dân sự mới phát sinh khó dự báo trước.

Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị vẫn giữ quy định các giao dịch phải công chứng của dự thảo Luật; đồng thời, bổ sung quy định chuyển tiếp đối với quy định về giao dịch phải công chứng tại các nghị định được ban hành trước ngày Luật Công chứng có hiệu lực mà không có quy định của luật giao Chính phủ quy định thì vẫn có hiệu lực thi hành để bảo đảm tính ổn định, chặt chẽ của hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị giữ quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là bảo hiểm bắt buộc như dự thảo Luật. Theo quy định của pháp luật hiện hành và dự thảo Luật, công chứng là dịch vụ công cơ bản, công chứng viên cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch, phòng ngừa tranh chấp, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Đây là quy định kế thừa Luật Công chứng hiện hành và phù hợp với pháp luật công chứng của một số nước. Việc thời gian qua, các công chứng viên hầu như không được bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm là vấn đề bất cập trong tổ chức thực hiện Luật. Chính phủ cần có giải pháp khắc phục để tăng cường hiệu quả thực thi quy định này trong thực tiễn, nhất là quy định về cơ chế, điều khoản, nguyên tắc bảo hiểm phù hợp với đặc thù của hoạt động công chứng.

Nếu là bảo hiểm bắt buộc thì tổ chức kinh doanh bảo hiểm bắt buộc phải bán, còn nếu không phải là bảo hiểm bắt buộc thì dù Luật quy định tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên nhưng không có tổ chức kinh doanh bảo hiểm cung cấp loại hình bảo hiểm này thì công chứng viên cũng không được bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Do đó, quy định như dự thảo Luật mới bảo đảm chặt chẽ, khả thi, thống nhất với nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng trong việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên, bảo đảm thực hiện mục tiêu bảo vệ lợi ích công cộng, an toàn xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với những vấn đề trong dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã được cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra thống nhất.

Tuy nhiên, đối với quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thiết kế 2 phương án trình Quốc hội xem xét. Phương án 1, giữ như Luật hiện hành là bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là bảo hiểm bắt buộc; phương án 2, như Chính phủ đề nghị, là không quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp là loại hình bảo hiểm bắt buộc, mà chỉ quy định tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm này.

Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/trinh-quoc-hoi-xem-xet-quy-dinh-bao-hiem-trach-nhiem-nghe-nghiep-bat-buoc-doi-voi-cong-chung-vien-684587.html