Trịnh Thị Mùi: Người đàn bà 'khát' trên xứ sở 'cỗ xe tăng' (Kỳ cuối)

Có cơ nghiệp và có thể chọn cho mình một cuộc sống an nhàn, nhưng chị Trịnh Thị Mùi cảm thấy 'chưa đủ' và biệt danh 'người đàn bá khát' cũng không phải tự nhiên mà người ta 'gán' cho chị.

Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ trao tặng giấy khen cho chị Trịnh Thị Mùi nhân dịp kỷ niêm 15 năm thành lập ITC-Pacific ngày 20/8/2019 (Ảnh: Bảo Lan)

Người đàn bà "khát"

Làm xong đồ ăn cho cô con gái cưng, chị nhấp ngụm nước rồi quay lại với “dòng hồi ức” vốn đã được lập trình một cách “mặc định” trong suy nghĩ của chị.

"Em biết không, lúc nước Đức mới thống nhất, rất nhiều người thất nghiệp và tất nhiên, người Việt mình cũng không là ngoại lệ, họ đi buôn thúng bán bưng ở vỉa hè và trong đó cũng có chị. Nhờ thừa hưởng gen kinh doanh từ gia đình, chị "nhạy bén" với thị trường và nhanh chóng nhận ra sự thiếu hụt hàng hóa trầm trọng từ phía Đông Đức. Do vậy, chị mạnh dạn mua hàng quần áo từ một số nước láng giềng của Đức như: Hungary, Ba Lan, Tiệp Khắc, Thổ Nhĩ Kỳ… mang về bán lại cho cộng đồng người Việt với giá bán buôn. Sau đó, chị nghĩ, tại sao mình cứ phải lấy hàng hóa của nước khác mà không phải của chính Việt Nam, khi sản phẩm may mặc và các hàng mỹ nghệ mây tre đan cũng đang là thế mạnh của nước mình. Nghĩ là làm và chị đã trở thành người Việt Nam đầu tiên nhập những container hàng may mặc và mây tre từ Việt Nam sang Đức…".

Chị bảo, thời điểm đó chính là lúc chị càng phải chứng tỏ bản lĩnh, khi có nhiều đối thủ cạnh tranh bằng nhiều thủ đoạn tiêu cực, từ việc phao tin vu khống đến đe dọa. Thậm chí, ngày khai trương, cửa hàng bị dọa đánh bom và chị phải nhờ cảnh sát bảo vệ.

Công việc làm ăn suôn sẻ, năm 1992, chị mạnh dạn thuê một khu nhà và dựng chợ đầu tiên của người Việt tại Đức. Từ đó, lần lượt nhiều chợ nhỏ lẻ đã ra đời, nhưng những chợ nhỏ này chỉ tồn tại được 6 tháng đến 3 năm lại tan, do lúc đó không có nhiều người Việt biết tiếng Đức hoặc biết rất hạn chế nên không hiểu được các quy định pháp luật của nhà nước Đức..

Chị Trịnh Thị Mùi trao học bổng cho các em học sinh ở Trường Việt Sao Mai nhân dịp khai giảng năm học mới (Ảnh: Nhận vật cung cấp)

Mỗi lần tan vỡ như vậy để lại nhiều tổn thất cho bà con kinh doanh. Do vậy, để ổn định lâu dài cho mình, cũng là giúp bà con người Việt có nơi ổn định sinh kế, chị đã quyết tâm mua mảnh đất rộng gần 52.000 m2, xây dựng ITC-Pacific hiện đại và quy mô nhất thời đó. Ngày 20/8/2019, Trung tâm vừa kỷ niệm 15 năm thành lập.

Chị cho hay, đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường, vừa đa dạng hóa các loại sản phẩm, nên thay vì trước đây, chị chỉ ưu tiên cho người Việt vào kinh doanh ở ITC-Pacific, nay chị đã nới lỏng hơn đối tượng thuê từ nhiều quốc gia khác.

Có thể khẳng định, những nỗ lực mà chị cố gắng trong 10 năm qua đã giúp chị có được thành công như ngày hôm nay. Chị nghĩ “đồng tiền mình có được là do mọi người và cộng đồng người Việt đã ủng hộ, vậy mình cũng nên làm gì đó để đáp lại. Thế là, chị “bỗng dưng” trở thành “người đàn bà khát” mà tôi nghe vài lần ở đâu đó ai đã “vô tình” gọi. Tôi nghĩ đúng vậy. Chị “khát” cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Chị khát một cuộc sống trọn vẹn, êm đềm bên gia đình, nhưng chị cũng khát cả những ước mơ “xa lạ”, mà thiên hạ cho là chị “vô công rỗi nghề” hay “không có chuyện để làm nên toàn đi lo việc bao đồng”.

Những ước mơ lạ đó chính là ngôi chùa Phổ Đà cho cộng đồng người Việt bày tỏ tín ngưỡng thờ tự của mình theo văn hóa dân tộc, một ngôi trường “Việt Sao Mai” dạy tiếng Việt cho những trẻ em thế hệ F2 sinh ra trên nước Đức, một trung tâm bảo trợ trẻ mồ côi... và hơn hết chính là một trung tâm thương mại giúp bà con cộng đồng có việc làm, có thu nhập và có thể “tồn tại” khi nước Đức vừa thống nhất.

Và những giá trị trường tồn

Chùa Phổ Đà tổ chức Lễ Vu Lan – đây cũng là Trung tâm văn hóa Việt duy nhất cho cộng đồng người Việt tại Berlin (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chị bảo, chỉ cái việc xây dựng chùa để làm nơi học tiếng cho trẻ em cũng đã gặp nhiều khó khăn, khi sự đố kỵ, ghen ghét và cạnh tranh trong suy nghĩ của những người còn ích kỷ đã liên tục làm cho việc xây dựng bị gián đoạn, và đã có lúc tưởng không thể thực hiện.

Chị kể, từ việc cắt 2.500 m2 đất, mua sắm đồ trang trí như các vị pho tượng Phật, chuông, mõ đến cả việc thanh toán tiền điện, nước trong suốt 5 năm đầu, cũng như bảo hộ nhiều loại phụ phí khác và hiện nay, mặc dù Chùa cũng đã giao cho vị chủ trì nhưng chị vẫn phải hỗ trợ một phần kinh phí cho hoạt động của Chùa. Vì chị bảo đó là đứa “con” do mình tạo ra nên mình vẫn phải có trách nhiệm “nuôi dưỡng” nó, cho dù nó đã trưởng thành.

Đến ngay cả trường Việt Sao Mai, khi thành lập chị cũng đã đầu tư toàn bộ cơ sở vật chất. Đến nay sau 15 năm hoạt động, cũng giúp hàng ngàn cháu được tham gia sinh hoạt ca hát, thì các cháu cũng đều đã biết đọc, viết tiếng Việt. Bên cạnh đó, Việt Sao Mai cũng là nơi để cho các hội đoàn người Việt đến sinh hoạt cộng đồng, giao lưu văn hóa, các chương trình từ thiện như trái tim cho em, lũ lụt miền trung và quyên góp cho phụ nữ nghèo, các chiến sỹ Hải đảo…

Có lẽ chị đã đúng vì với các doanh nhân, giá trị họ mong muốn đem đến chính là giá trị cho cộng đồng và cho xã hội.

Và không chỉ là cộng đồng người Việt trên nước Đức, cộng đồng doanh nhân của nước sở tại, mà tôi nghĩ rằng, đất nước Việt Nam vẫn còn cần lắm những người như chị - một người luôn khát khao làm được, thậm chí làm nhiều hơn thế nữa cho những nơi, những con người đang cần sự đóng góp, giúp đỡ và sẻ chia...

Hiện nay, chị đang đóng góp nhiều cho quê hương Hà Tĩnh, nuôi trẻ em mồ côi và lan tỏa đến cộng đồng doanh nhân người Việt ở Đức để tiếp tục cùng nhau hỗ trợ cho những bé có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình Những Trái tim cho em, Chương trình vì các chiến sĩ hải đảo, Quỹ chia sẻ yêu thương … đã và đang không ngừng lan tỏa đến cộng đồng doanh nhân người Việt tại Đức.

Chúng tôi trò chuyện sôi nổi cho đến khi chồng chị từ nhà trên đi xuống, đặt đĩa bánh mời hai chị em rồi quay đi. Tôi đưa mắt nhìn chị, như hiểu ý tôi, chị bảo, anh cũng đôi khi buồn lắm, vì chị cứ lao vào công việc như con thiêu thân, bỏ mặc mấy cha con anh tự lo chuyện cơm nước. Nhiều lúc, anh gắt lên “phải biết yêu bản thân mình hơn, phải biết đối với phụ nữ, gia đình là quan trọng như thế nào". Chị bảo ngay lúc ấy chị cũng hối hận và chạnh lòng một chút, nhưng rồi đâu lại vào đấy.

Kết thúc cuộc trò chuyện gần 2 tiếng, chị nói với tôi, “Đừng ai nghĩ nước Đức là thiên đường, vì hạnh phúc chả bao giờ trải thảm cho những ai không biết nỗ lực, nên chị sẽ tiếp tục nỗ lực cho đến khi không thể”. Tôi nghĩ chị nói đúng, ít nhất là đúng với trường hợp của chị. Vì kể từ khi ITC-Pacific này đi vào hoạt động, đến nay, dù đã trải qua nhiều thăng trầm, ITC-Pacific vẫn tồn tại và vẫn lấy đi của chị một ngày đều đặn 13-14 giờ, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật hay những ngày mùa đông giá rét.

Chị Trịnh Thị Mùi cùng chồng trong một sự kiện của cộng đồng người Việt ở Berlin vào dịp Tết Canh Tý vừa qua (Ảnh: Bảo Lan)

Với nhiều thành công và những đóng góp tích cực cho cộng đồng Việt ở Đức và cho cả những mảnh đời bất hạnh ở quê nhà, chị là một trong tám đại biểu nữ kiều bào tiêu biểu toàn thế giới được mời dự Đại hội phụ nữ toàn quốc. Chị còn nhận được nhiều Bằng khen, giấy khen của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, Giải thưởng Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu khu vực châu Âu.

Ngày nay, tình hình kinh tế Đức nói chung, kinh tế của bà còn kiều bào nói riêng, có nhiều khó khăn, ITC-Pacific cũng không còn nhộn nhịp như trước, nhưng với những gì mà chị đã và đang cống hiến cho xứ sở “cỗ xe tăng”, cũng như cho cộng đồng người Việt Nam ở đây và cho đất nước, còn mãi những giá trị trường tồn theo thời gian...

Kỳ I: Nước Đức - Nơi nuôi dưỡng những người dám ước mơ

Bảo Lan

(Ghi ghép từ Berlin)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trinh-thi-mui-nguoi-dan-ba-khat-tren-xu-so-co-xe-tang-ky-ii-va-het-109641.html