Trình UNESCO hồ sơ bảo vệ khẩn cấp 'Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ'

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản đồng ý gửi hồ sơ quốc gia đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét đưa 'Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ' vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Thủ tướng ủy quyền Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) ký hồ sơ theo quy định. Theo đó, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ VH-TT&DL làm các thủ tục cần thiết để gửi hồ sơ tới UNESCO trước ngày 31/3.

Trình UNESCO xem xét “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể

Trình UNESCO xem xét “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể

Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là nghề thủ công truyền thống, ra đời cách đây hàng trăm năm. Những nghệ nhân làng Đông Hồ sản xuất những bức tranh thuộc loại hình mỹ thuật dân gian, có những đặc trưng riêng về kỹ thuật in, chủ đề, màu sắc và đồ họa. Tranh có nhiều loại, bao gồm tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh thờ, tranh sinh hoạt, tranh phong cảnh.

Tranh Đông Hồ là loại hình nghệ thuật truyền thống có từ lâu đời

Tranh Đông Hồ là loại hình nghệ thuật truyền thống có từ lâu đời

Tranh dân gian Đông Hồ thuộc dòng tranh in từ ván khắc gỗ

Tranh dân gian Đông Hồ thuộc dòng tranh in từ ván khắc gỗ

Các công đoạn làm tranh như sáng tác mẫu tranh, khắc ván in, làm màu, in tranh đều bằng tay. Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ gắn với tập tục treo tranh vào ngày Tết, Tết Trung thu, thờ cúng tổ tiên. Người làng Đông Hồ coi nghề làm tranh là một kế sinh nhai, thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng, tập quán xã hội, được trao truyền từ đời này qua đời khác.

Mỗi bức tranh đều có nét riêng, phản ánh sinh động xã hội, cuộc sống lao động của người nông dân

Mỗi bức tranh đều có nét riêng, phản ánh sinh động xã hội, cuộc sống lao động của người nông dân

Đám cưới chuột trong tranh Đông Hồ

Đám cưới chuột trong tranh Đông Hồ

Trước đây, làng tranh Đông Hồ có 17 dòng họ làm tranh. Sau năm 1945, các dòng tranh dân gian Đông Hồ cùng với Hàng Trống, Kim Hoàng bị suy thoái dần, đứng trước nguy cơ mai một, làng Đông Hồ chỉ còn 3 gia đình nghệ nhân với khoảng 30 người thuộc 4 thế hệ có thể làm tranh. Đến năm 1990, một số nghệ nhân như Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Hữu Sam... đã sưu tầm tranh và các bản khắc chế để khôi phục lại dòng tranh dân gian Đông Hồ.

Bản khắc chế gỗ để khôi phục lại dòng tranh Đông Hồ

Bản khắc chế gỗ để khôi phục lại dòng tranh Đông Hồ

Khách có thể vừa mua sản phẩm, vừa chiêm ngưỡng đầy đủ công đoạn sản xuất tranh

Khách có thể vừa mua sản phẩm, vừa chiêm ngưỡng đầy đủ công đoạn sản xuất tranh

Bây giờ ở tuổi 85, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã có một xưởng tranh khá khang trang, nơi du khách có thể vừa mua sản phẩm, vừa được giới thiệu và chiêm ngưỡng đầy đủ mọi công đoạn để sản xuất một bức tranh Đông Hồ theo truyền thống. Ở quy mô khiên tốn hơn, hai con của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam (đã mất năm 2016) cũng có những tổ hợp sản xuất theo kiểu gia đình. Nhờ đó, tại Hà Nội và các điểm du lịch, tranh Đông Hồ mấy năm qua đã xuất hiện thường xuyên và được thị trường đón nhận.

Cha truyền con nối trong nghề làm tranh Đồng Hồ

Cha truyền con nối trong nghề làm tranh Đồng Hồ

Nghề tranh dân gian Đông Hồ cần được bảo vệ khẩn cấp

Nghề tranh dân gian Đông Hồ cần được bảo vệ khẩn cấp

Việc lập hồ sơ khoa học trình UNESCO đưa “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa làng nghề, nâng cao ý thức cộng đồng trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Phạm Tiệp

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/trinh-unesco-ho-so-bao-ve-khan-cap-nghe-lam-tranh-dan-gian-dong-ho-134888.html