Trình UNESCO hồ sơ nghề làm tranh dân gian Đông Hồ

Thủ tướng Chính phủ đồng ý đệ trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét đưa 'Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ' vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Tranh Đông Hồ “Vinh quy bái tổ”. Ảnh: TL

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Hồ sơ theo quy định. Giao Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm các thủ tục cần thiết để gửi Hồ sơ tới UNESCO trước ngày 31/3/2020.

Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ có xuất xứ từ làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), đã có từ cách đây hàng trăm năm, vốn gắn với tập tục treo tranh vào ngày Tết, Tết Trung thu, thờ cúng tổ tiên.

Tháng 7/2014, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ giai đoạn 2014 - 2020, định hướng đến 2030”. Việc phê duyệt Đề án này nhằm mục tiêu gìn giữ và phát huy giá trị nổi bật của tranh dân gian Đông Hồ; nâng cao nhận thức, hành động của chính quyền, nhân dân địa phương trong việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của tranh dân gian Đông Hồ; quảng bá, giới thiệu tranh dân gian Đông Hồ ra thế giới và tiến hành hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Tranh Đông Hồ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, có những đặc trưng riêng về kỹ thuật in, chủ đề, mầu sắc và đồ họa với các công đoạn làm tranh bằng tay, từ sáng tác mẫu tranh, khắc ván in đến làm mầu, in tranh.

Màu tranh vẽ được lấy hoàn toàn từ tự nhiên không pha màu, chỉ có 4 màu cơ bản là xanh lấy từ lá chàm hoặc gỉ đồng, đen than lá tre, vàng (lấy từ hoa hòe) và đỏ (lấy từ gỗ vang , sỏi son…). Tùy vào sở thích và độ đậm của tranh người ta sẽ tô đậm để làm nổi bật hoặc làm nhạt các chi tiết trong tranh. Giấy vẽ tranh Đông Hồ (thường gọi giấy điệp) được làm từ vỏ con điệp sau khi đã nghiền nát trộn với hồ, sau đó dùng chổi lá thông quét trên bề mặt giấy, tạo nên loại giấy trắng sáng, lấp lánh khi để ngoài ánh sáng.

Dòng tranh Đông Hồ chủ yếu đi sâu miêu tả tính chân thực cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất đời thường trong mối quan hệ giữa người với người, và giữa người với thiên nhiên thể hiện tính nhân quả cầu an, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài. Tính triết lý của tranh Đông Hồ rất sâu sắc vừa vui tươi dí dỏm, hóm hỉnh như tranh Đánh ghen, Hứng dừa, Đám cưới chuột...Được lấy hoàn toàn từ thiên nhiên nên màu sơn vẽ của tranh Đông Hồ tuy đơn giản nhưng lại rất đặc biệt, không nhầm lẫn với bất kỳ tranh nào khác.

Thời xưa, gần đến ngày tết người ta tặng quà cho nhau bằng tranh, theo nội dung mà người tặng đã định từ trước phù hợp với hoàn cảnh tình cảm của người được trao tặng để trang trí trong ngày vào xuân, mong sao mọi việc như ý cho một năm mới tốt lành. Đó là nét đẹp văn hóa trong tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống... mà có lẽ người Việt Nam mới có.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trinh-unesco-ho-so-nghe-lam-tranh-dan-gian-dong-ho-post75731.html