Trịnh Văn Quyết bị phạt 21 năm tù và bị truy thu xung công 684 tỷ đồng

Theo Tòa án cấp sơ thẩm, hành vi lừa đảo của Trịnh Văn Quyết ảnh hưởng hơn 63.000 người đang nắm cổ phiếu ROS nên tuyên phạt bị cáo này tổng mức án 21 năm tù. Bị cáo Quyết còn phải bồi thường 54% giá trị cổ phiếu và phải xung công 684 tỷ đồng.

Chiều 5-8, TAND TP Hà Nội đưa ra phán quyết về vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”, xảy ra tại Tập đoàn FLC, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) và các đơn vị liên quan...

Hội đồng xét xử (HĐXX) cho rằng đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) và động phạm đã thao túng 4 mã cổ phiếu “họ” FLC, thu lợi bất chính hơn 684 tỷ đồng. Do giao dịch số lượng lớn, kéo dài nhiều năm nên tòa án dành quyền khởi kiện cho những nhà đầu tư có thiệt hại. Tuy vậy, cần buộc các bị cáo nộp 684 tỷ đồng, nộp ngân sách.

Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án do Thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ tọa.

Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án do Thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ tọa.

Ở hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Quyết nâng khống vốn góp của Công ty Faros, rồi lợi dùng sàn HOSE để đăng ký, bán cổ phiếu ROS cho hơn 25.000 nhà đầu tư, thu lời bất chính 3.600 tỷ đồng.

Những người này được coi là bị hại, bởi tội phạm đã hoàn thành khi Trịnh Văn Quyết mua bán xong. Quan điểm của các luật sư bào chữa cho cựu Chủ tịch FLC thể hiện chỉ 133 nhà đầu tư đã đến trình báo mới là bị hại không được tòa sơ thẩm chấp nhận.

Cũng theo bản án, ROS bị hủy giao dịch trên sàn năm 2022 và hiện có hơn 63.000 nhà đầu tư đang nắm cổ phiếu này thông qua mua bán thứ cấp. Tòa án cho rằng dù họ không mua trực tiếp, nhưng cần coi là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để đảm bảo quyền lợi.

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo liên quan khi tuyên án.

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo liên quan khi tuyên án.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX thấy Công ty Faros vẫn hoạt động, cổ phiếu ROS dù bị cấm giao dịch trên sàn nhưng vẫn có giá trị. Thiệt hại của các nhà đầu tư là ở phần Trịnh Văn Quyết nâng khống, hơn 54%. Nếu mỗi cổ phiếu giá 10.000 đồng, Trịnh Văn Quyết cần bồi thường hơn 5.400 đồng/ cổ phiếu. Chủ tọa cũng cho hay đã trình chiếu danh sách bị hại và số tiền được bồi thường.

Đến nay, bị cáo Quyết cùng đồng phạm đã nộp hơn 260 tỷ đồng khắc phục hậu quả và tòa tuyên tiếp tục giữ số tiền này để đảm bảo thi hành án. Bị cáo Quyết và các em gái cần tiếp tục nộp thêm đủ số khắc phục hậu quả; những bị cáo không hưởng lợi không phải bồi thường.

Về hình sự, tòa sơ thẩm ghi nhận các bị cáo trong vụ án đều thành khẩn khai báo hoặc hợp tác trong quá trình điều tra… Đặc biệt, trong vụ ngoài 3 anh em ruột Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, còn nhiều bị cáo có quan hệ anh em ruột, bố con, vợ chồng. Có đến 11 người có họ hàng với nhau trong vụ án này, nên HĐXX ghi nhận khi lượng hình.

Cấp sơ thẩm quyết định tuyên phạt Trịnh Văn Quyết 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 3 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, tổng hợp hình phạt là 21 năm tù. Em gái bị cáo Quyến là bị cáo Trịnh Thị Minh Huế bị tuyên phạt tổng cộng 14 năm tù và Trịnh Thị Thúy Nga bị áp dụng tổng mức 8 năm tù, cùng về hai tội danh như anh trai.

Lâm Vinh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/trinh-van-quyet-bi-phat-21-nam-tu-va-bi-truy-thu-xung-cong-684-ty-dong-post585147.antd